Tam Tinh Đôi có liên quan đến nguồn gốc văn hóa đồ đồng Đông Sơn?
01/03/2024 - Lượt xem: 340
Văn hóa Đông Sơn (800 TCN - 200 TCN) được coi là nền văn minh đồ đồng rực rỡ. Cái tên Đông Sơn là lấy theo địa danh ở Thanh Hóa, nơi khai quật được nhiều đồ đồng, sau này xác định là thời kỳ văn hóa Đông Sơn.
Nhưng nó lại mang ý nghĩa cả một vùng đất rộng lớn từ miền Nam Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á, và cũng là chủ đề tranh cãi chưa có hồi kết.
Tam Tinh Đôi có liên quan đến nguồn gốc văn hóa đồ đồng Đông Sơn? (Tổng hợp)
Không chỉ ở Việt Nam, ở rất nhiều nơi như các địa phương miền Nam Trung Quốc, và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia… cũng khai quật được những đồ đồng mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn, điều này đã xảy ra cuộc tranh cãi chưa có hồi kết giữa các nhà khảo cổ học Việt Nam và Trung Quốc về nguồn gốc văn hóa đồ đồng Đông Sơn, hàng chục năm chưa có hồi kết.
Giáo sư khảo cổ học, lịch sử học người Áo Heine Geldern xác định về phạm vi của văn hóa Đông Sơn như sau: “Tôi đề nghị hiểu dưới thuật ngữ văn hóa Đông Sơn tất cả các văn hóa thời đại đồng thau đã biết ở Vân Nam, Đông Dương và Indonesia, dầu biết rằng những nghiên cứu tương lai có thể cho chúng ta nhận ra giữa những nhóm văn hóa đó những nhóm địa phương khác biệt, những trật tự và niên đại khác nhau”.
Gần đây, Trung Quốc khai quật được di chỉ Tam Tinh Đôi, với những đồ đồng cực kỳ tinh xảo, và khác hoàn toàn với những đồ đồ của vùng Trung Nguyên, vốn có công nghệ đúc đồng cao từ thời nhà Thương và nhà Chu. Văn minh đồ đồng Tam Tinh Đôi ở vị trí nước Thục cổ đại, tức Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay, có niên đại từ 1200 TCN - 1000 TCN, sau đó nền văn minh này đột nhiên biến mất không để lại dấu vết.
Văn minh đồ đồng Tam Tinh Đôi. (Tổng hợp từ wikipedia)
Một số nhà khảo cổ học khi nghiên cứu các di tích và di vật khảo cổ ở Điền Trì, Vân Nam, Trung Quốc đã đưa ra một giải thuyết táo bạo, có thể giải đáp được khá nhiều bí ẩn về văn minh đồ đồng Điền Trì, văn minh đồ đồng Đông Sơn, cùng với nguồn gốc của nó.
Nước Điền cổ đại
Bên cạnh hồ Điền Trì, Vân Nam, Trung Quốc có một làng miền núi tên là làng Thạch Trại. Năm 1954, đã phát hiện ra một quần thể mộ cổ tại làng này. Những ngôi mộ ở vị trí này, ban đầu các nhà khảo cổ cũng không đặt nhiều kỳ vọng lắm. Khi mở một trong số những ngôi mộ đó, thấy đồ vàng, đồ ngọc không thiếu thứ gì, nhưng điều khiến mọi người kinh ngạc nhất là, mức độ tinh vi mỹ hảo của những đồ đồng hoàn toàn không thua kém đồ đồng thời nhà Thương và nhà Chu.
Vùng Vân Nam bắt đầu có văn minh đồ đồng phát triển như thế này từ khi nào? Các nhà khảo cổ dùng phương pháp Các-bon C14 đo, xác định ngôi mộ này có tuổi trên 2000 năm, tương đương với thời Chiến Quốc ở Trung Nguyên.
Các nhà khảo cổ học không thể hiểu nổi, vùng Vân Nam trên 2000 năm trước, sao lại có nền văn minh đồ đồng phát triển như thế này? Điều này đã trở thành một ẩn đố của giới khảo cổ.
Năm 1959, Viện trưởng Viện Khoa học Trung Quốc Quách Mạt Nhược đến Vân Nam khảo sát, ông vốn là một tài tử, bác học đa tài, có nền tảng học thuật tốt. Quách Mạt Nhược nhìn thấy những đồ đồng tinh vi mỹ hảo thế này, liền liên tưởng đến phần Tây Nam Di Liệt Truyện trong Sử Ký có ghi chép về 2 quốc gia: nước Dạ Lang, và nước Điền.
Dạ Lang ở Quý Châu, còn Điền chính là ở bên hồ Điền Trì. Làng Thạch Trại cũng ở bên hồ Điền Trì, do đó ông suy đoán, có thể là mộ táng của nước Điền.
Những ghi chép lịch sử về nước Điền rất ít, chỉ có một chút mấy đoạn trong Sử Ký, Hán Thư và Hậu Hán Thư. Đại ý nói rằng, năm cuối thời Chiến Quốc (năm 277 TCN), đại tướng nước Sở là Trang Kiểu chinh phạt phía Tây, thế mạnh như chẻ tre, đánh một mạch đến khu vực lân cận Điền Trì.
Nào ngờ hậu phương khói lửa, quận Vu và quận Kiềm Trung phía Tây nước Sở, tức một phần phía tây tỉnh Hồ Nam và phía đông tỉnh Quý Châu ngày nay, bị nước Tần đánh chiếm. Như vậy, Trang Kiểu đã bị cắt mất đường trở về.
Trang Kiểu cũng không còn cách nào khác, đành ở lại vùng đất hoang vu này xưng vương, lập nên nước Điền.
Thành cổ dưới đáy nước là kinh đô nước Điền?
Năm Nguyên Đỉnh thứ 6 thời Tây Hán (năm 111 TCN), Hán Vũ Đế khởi động chiến tranh quy mô lớn chinh phạt vùng Tây Nam. Năm 109 TCN, quân Hán đi theo đường Ba Thục đánh nước Điền.
Điền Vương thấy quân Hán thanh thế to lớn đã đến dưới thành, thì hoàn toàn thối chí, từ bỏ chống cự, cả nước đầu hàng.
Hán Vũ Đế thấy Điền Vương đã thần phục thì cũng khảng khái ban cho Điền Vương ấn tín vàng “Điền Vương Kim Ấn”, để ông tiếp tục làm vương, quản lý nước Điền. Từ đó, nước Điền quy về dưới sự giám sát của quận Ích Châu triều Hán, là thuộc quốc của triều Hán, đã mất tính độc lập.
Cứ như thế, nước Điền trải qua cuộc sống bình an hơn 20 năm. Đến thời Hán Chiêu Đế, nước Điền lại làm phản, tấn công Ích Châu. Nhưng người Điền trước tiên thắng lợi, sau thất bại, sau đó bị Vương Bình dẫn quân Hán trấn áp, sử sách gọi là “đại phá man binh, trảm thủ ngũ vạn” (đại phá quân man di, chém đầu 5 vạn người).
Nước Điền từ đó sụp đổ, người dân chạy tán loạn tứ phía, rời bỏ quốc gia. Nước Điền hoàn toàn biến mất trong văn hiến triều Hán là vào những năm An Đế triều Đông Hán.
Đoàn khảo cổ tìm thấy Điền Vương Kim Ấn trong mộ cổ, điều này chứng minh sự việc Hán Vũ Đế ban ấn vàng là có thật, và cũng chứng thực suy đoán của Quách Mạt Nhược. Ẩn đố đã được phá giải hoàn hảo.
Ấn tín vàng do Hán Vũ Đế ban cho Điền Vương. (Phạm vi công cộng)
Tuy nhiên, lại xuất hiện những vấn đề mới. Đầu tiên, đã xác định đây là di chỉ của nước Điền cổ đại, thì đô thành ắt sẽ không xa, có quốc gia thì phải có kinh thành, có ấn tín vàng, đó chính là mộ táng cấp quốc vương, thường an táng ở gần kinh thành mới thuận tiện cho con cháu vương tộc đến thờ cúng và tổ chức các nghi lễ. Xa thì không được, mỗi lần đi cúng tế tổ tiên, cả đi và về vài tháng thì các việc khác bị bỏ bê. Đây là thông lệ trong văn hóa an táng của các dân tộc.
Các nhà khảo cổ tràn đầy hy vọng sẽ tìm được di chỉ kinh đô ở ven hồ Điền Trì, nhưng lần nào cũng trở về trong nỗi thất vọng. Họ phát hiện ra mộ táng cấp quốc vương nhưng không phát hiện ra kinh thành. Điều này cũng đã trở thành một ẩn đố trong công tác khảo cổ nước Điền cổ đại.
Đến năm 1990, một người yêu thích lặn phát hiện ra, dưới hồ Phủ Sán, sông Trừng Giang phía đông nam hồ Điền Trì có một số kiến trúc dưới nước. Các nhà khảo cổ vỗ đùi: Đúng rồi, trước đây chỉ tìm trên vùng đất, sao lại không nghĩ đến việc tìm dưới đáy hồ Điền Trì nhỉ?
Thế là đội khảo cổ đã tiến hành 2 lần khảo cổ dưới nước khu vực hồ Điền Trì vào năm 2001 và 2006. Quả thực ở dưới đáy hồ có các công trình kiến trúc nhân tạo. Trong quần thể kiến trúc có một số kiến trúc lớn, trong đó có một tòa kiến trúc hình kim tự tháp. Trên kiến trúc còn điêu khắc hoa văn hình mặt người và các hình vẽ hình học khác.
Các chuyên gia lạc quan tuyên bố “đã tìm được kinh thành nước Điền rồi”. Còn các chuyên gia cẩn trọng thì nói: “Từ từ, đừng vội tuyên bố, vẫn còn nhiều nghi vấn”.
Thứ nhất, quy mô thành phố dưới nước này quá lớn, khoảng 2,4 km vuông, nhưng các thành phố cấp quận huyện thời Hán đều không quá 1 km vuông.
Thứ hai, phong cách kiến trúc hoàn toàn khác thời Hán. Trong truyền thuyết, nước Điền cổ đều là kiến trúc kết cấu gạch và gỗ, còn các kiến trúc dưới nước này đều được xây dựng bằng đá.
Thứ ba, các ký hiệu và hình vẽ ở thành phố cổ này đều quá nguyên thủy và trừu tượng, khác biệt quá lớn với văn hóa nước Điền cổ cũng như văn hóa triều Hán.
Những phân tích của các chuyên gia cẩn trọng khiến các chuyên gia lạc quan cũng thấy hợp lý, cần phải bình tĩnh xem xét thêm.
Do đó vấn đề đô thành của nước Điền vẫn là một nghi vấn. Đồng thờ, việc nghiên cứu các văn vật khai quật được từ mộ táng cũng phát sinh ra càng nhiều nghi vấn.
Bí ẩn nguồn gốc công nghệ đồ đồng
Vấn đề là ở đồ đồ nước Điền cổ. Có món đồ tên là Trữ bối khí, tức là hũ tiền, chứa tiền vỏ sò, tiền xu. Có món đồ là trống đồng, bên trên có rất nhiều tượng nhân vật bằng đồng, tình cảm trạng thái mỗi nhân vật đều khác nhau. Rất nhiều đồ đồng có nạm vàng nạm ngọc, hoa văn tinh tế. Hơn nữa tỷ lệ phối hợp giữa đồng và thiếc của những đồ đồng này rất hợp lý.
Trữ bối khí. (Chụp video)
Những điều này khiến các nhà khảo cổ cảm thấy rất khó hiểu. Bởi nước Điền cổ đại nằm trong khu vực mà từ thời đồ đá chuyển sang đồ đồng rất muộn, khoảng trên 2000 năm trước, nhưng những người thợ nước Điền dường như không học mà biết, có thể chế tạo ra những đồ đồng công nghệ cao như thế này, giống như trẻ con không học, cầm bút vẽ là vẽ ngay được những bức tranh có độ thấu thị rất chuẩn xác như các họa sĩ bậc thầy thời Phục Hưng. Một giải thích duy nhất hợp lý là, những công nghệ đồ đồng cao siêu này không phải là do người bản địa mày mò trong thời gian dài tích lũy kinh nghiệm mà có được, mà là trực tiếp được đưa vào từ bên ngoài.
Thử nghĩ xem, thứ nhất, không tìm được đô thành, thứ hai, nghi vấn đồ đồng. Có chuyên gia có tư duy rộng mở, đặt câu hỏi, lẽ nào người nước Điền cổ đại không phải là người bản địa, mà là người từ nơi khác đến?
Trữ bối khí. (Wikipedia/ CC BY SA 4.0)
Nhà khảo cổ Phạm Dũng chính là người ủng hộ thuyết người từ nơi khác đến. Ông đưa ra giả thuyết khiến mọi người kinh ngạc: Người nước Điền cổ có thể từ nơi này đến - Tam Tinh Đôi, Tứ Xuyên.
Mọi người tới tấp bày tỏ: “Ông có căn cứ gì không”.
Phạm Dũng thong thả nói:
“Mọi người hãy nghe tôi nói, 3000 năm trước, vào cuối triều Thương, quốc gia ở Tam Tinh Đôi bị diệt vong, người Tam Tinh Đôi bắt đầu di cư đến các nơi khác. Còn nói khu vực Tam Tinh Đôi đó xảy ra điều gì khiến nó diệt vong, thì có thể có nhiều nguyên nhân, hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Có thể là do biến đổi khí hậu, cũng có thể do hồng thủy. Khi đó chưa có đê điều, nơi sông Dân chảy vào bình nguyên Thành Đô, hàng năm đều có lũ lụt. Cũng có thể do thiếu hụt các nguồn tài nguyên sinh sống, và các nguyên nhân khác, họ buộc phải rời bỏ cố quốc, tìm một nơi khác thích hợp để sinh sống.
Những người dân còn sót lại của cổ quốc Tam Tinh Đôi men theo vài con đường di cư, một trong số đó là theo sông Dân, đến vùng Di Mâu, tức Thị trấn Di Mâu gần sông Thanh Bạch ở Thành Đô ngày nay. Sau đó họ men theo con đường tơ lụa phương nam tiếp tục xuống phía Nam, đến khu vực Nhĩ Hải ở Điền Tây. Một số người lưu lại nơi đây, một số người tiếp tục đi xuống phía nam đến Việt Nam, sau đó đi đến các nơi ở Đông Nam Á”.
Suy luận này cũng trùng với kết quả khảo cổ cho thấy văn hóa đồ đồng Đông Sơn, Việt Nam cách ngày nay khoảng 2600 - 2700 năm. Các nhà khảo cổ học cũng cho rằng văn hóa đồ đồng Đông Sơn là rộng, từ miền Nam Trung Quốc đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Suy luận này có căn cứ không? Quả thực là có. Trong phần Tây Nam Di Liệt Truyện trong Sử Ký có ghi chép: Người nước Điền cổ là tộc người được gọi là Mi Mạc. Cái tên Mi Mạc khiến người ta không hiểu, chưa từng nghe thấy, nhưng phát âm từ Mi Mạc (Mi Mo) khá giống tên thị trấn Di Mâu (Mi Mou).
Cảnh tượng thời đó có thể như thế này, người bản địa hỏi người Tam Tinh Đôi: “Các anh từ đâu đến?”
Người Tam Tinh trả lời: “Chúng tôi từ Di Mâu (Mi Mou) đến”.
Người bản địa nghe thành Mi Mạc (Mi Mo), từ đó người bản địa gọi tộc người này là người Mi Mạc.
Sau này người bản địa và người di cư hợp thành một dân tộc, các bộ lạc khác gọi họ là người Mi Mạc. Người Mi Mạc chính là chủ nhân của nước Điền cổ đại sau này.
Một nhà khảo cổ nổi tiếng khác là giáo sư Đồng Ân Chính còn phát hiện ra rằng, vùng Nhĩ Hải ở Vân Nam còn có cây giáo đồng kiểu dáng nước Thục cổ. (loại giáo đồng này cũng có trong di vật văn hóa Sơn Đông, Việt Nam).
vùng Nhĩ Hải ở Vân Nam còn có cây giáo đồng kiểu dáng nước Thục cổ. (Chụp video)
Loại giáo này xuất hiện ở Vân Nam vào những năm cuối triều Thương, đồng thời với sự diệt vong của Tam Tinh Đôi. Trước thời điểm này, Vân Nam là thời kỳ đồ đá. Đồ đồng phong cách nước Thục cổ đại này đột nhiên xuất hiện, cũng là một dấu ấn người Tam Tinh Đôi di cư đến.
Sau khi Tam Tinh Đôi diệt vong, một bộ phận người xuống phía nam, đến Vân Nam, đem theo công nghệ đúc đồng thành thục. Họ kết hợp với phong tục văn hóa địa phương, khai sáng ra văn minh đồ đồng nước Điền cổ đại.
Sau đó, đại tướng nước Sở là Trang Kiểu xông đến, đánh chiếm được khu vực này xong thì bị nước Tần cắt mất đường về, từ đó không về Sở nữa, ở lại làm Điền Vương ở Điền Trì.
Lời giải thích này đã giải đáp nghi vấn lịch sử về nguồn gốc của người Điền. Nhưng có người vẫn hỏi, sau khi nước Điền sụp đổ, người Điền cũng biến mất, những hậu duệ của người Tam Tinh Đôi còn sót lại đó đi đâu?
Ẩn đố hướng đi của người Điền cổ đại
Thuyết địa đạo tiền sử
Thuyết này cho rằng, giữa những núi lớn ở Vân Nam có những đường thông bí mật, người Điền cổ thông thuộc những con đường này, đã bí mật theo những con đường này đi đến Đông Nam Á và vùng ven biển Ấn Độ Dương.
Thuyết này nghe có vẻ huyền hoặc, nhưng từ Điền Trì đến Biển Đông (Việt Nam) và vùng duyên hải Ấn Độ Dương đều cách đến cả ngàn km. Điều này nghĩa là dưới đất Vân Nam có mạng lưới địa đạo dài, vượt xa các hang động tự nhiên, thì chỉ có thể là sản phẩm của nền văn minh tiền sử. Những dân tộc nền văn minh lần này thời kỳ đầu, không những biết mà có hữu ý sử dụng chúng. Khả năng này cũng không thể loại trừ, nhưng hiện nay chỉ coi là câu chuyện vui mà thôi.
Thuyết dung hợp
Các nhà khảo cổ đã khảo sát các dân tộc khác nhau ở Vân Nam, họ phát hiện ra, những dân tộc này đều lưu giữ một số đặc điểm của người Điền cổ đại.
Ví dụ người Hà Nhì (cũng gọi người Hani, Haqniq, Cáp Nê) bên sông Hồng ở Vân Nam, khi các thầy mo của họ tế lễ, họ nhảy điệu múa rất giống với vũ điệu của những tượng đồng nước Điền cổ đại.
Người Thái Hoa Yêu (cũng gọi Thái Na) ở Vân Nam, các bà mo là có địa vị cao nhất. Điểm này cũng rất giống với người Điền cổ. Địa vị bà mo của người Điền cổ được ghi chép trên các đồ đồng. Tuy nhiên các dân tộc này không có dân tộc nào kế thừa nhà hình thuyền của người Điền cổ. Do đó những điểm tương tự mà họ thể hiện ra vẫn không đủ chứng minh họ là hậu duệ trực hệ của người Điển cổ, chỉ có thể chứng minh người Điền cổ có ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa của những dân tộc này.
Thuyết hang động
Xung quanh Điền Trì có thể có những hang động dài, dài hơn 200 km đến bên bờ sông Hồng. Từng lô từng lô người Điền cổ đã sử dụng hang động này ra bờ sông Hồng, sau đó theo đường thủy đến Việt Nam. Sau thời gian vài thế hệ, đã thâm nhập vào các nơi ở Đông Nam Á.
Thuyết này gần giống với thuyết địa đạo tiền sử, và ít tính huyền hoặc hơn, và là thuyết hiện nay gần với thực tế hơn cả. Bở vì Vân Nam và Quý Châu đều là địa hình Karst, có nhiều sông và hang động ngầm.
Các nhà khảo cổ phát hiện ra một tộc người trên đảo Sumatra, Indonesia gọi là người Batak, họ nhảy vũ điệu giống với tượng người nước Điền cổ thể hiện, và ở trong những ngôi nhà hình thuyền điển hình của người Điền cổ. Bà mo cũng có địa vị rất cao trong quần tộc. Những đặc trưng văn hóa này đều rất giống với người Điền cổ. Hơn nữa họ còn có tục cải táng (người Việt cũng có tục này).
Điệu múa của người Batak. (wikipedia/ CC BY SA 4.0)
Ngôi nhà truyền thống mái hình thuyền của người Batak. (Wikipedia/ CC BY SA 2.0)
Cải táng
Cải táng (mai táng 2 lần) là sau khi chết, người sẽ sẽ chôn xuống đất, 3-5 năm sau lại tiến hành an táng lần 2, lấy xương người chết lên, đưa đến nghĩa trang tổ tiên chôn lần thứ 2. (Người Việt đến nay vẫn giữ tập tục này, nhưng khác là không chôn chung một mộ lớn với tổ tiên).
Người Batak cho rằng, sau khi hoàn thành chôn cất lần thứ 2 thì sinh mệnh này mới coi là đã đi hết cuộc đời, mới có thể đến nơi tốt hơn.
Phong tục cải táng cũng tồn tại ở người Điền cổ đại, và được các nhà khảo cổ chứng thực.
Bên cạnh hồ Phủ Tiên là núi Kim Liên và sông Trừng Giang, trên núi khai quật được ngôi mộ rất lớn của nước Điền cổ đại, trong có an táng hàng vạn người, lại chồng chất lên nhau tầng tầng lớp lớp.
Ban đầu các nhà khảo cổ cho rằng, đây là ngôi mộ chung của binh sĩ nước Điền cổ. Nhưng xem kỹ thì không phải, vì trong đó có cả người già, trẻ em và phụ nữ, không thể là mộ binh sĩ.
Có người đoán rằng, có thể là sau khi quân Hán xâm lược, để lại hố chôn vạn người. Nhưng sau khi xem xét kỹ thì thấy không phải, vì xương cốt không có vết thương. Thế là lại có người cho rằng, phải chăng là một dịch bệnh như cái chết đen ở châu Âu, chôn cất hàng vạn người chết vì dịch bệnh?
Thế là họ mời chuyên gia y học đến kiểm tra, kết quả những người này không mắc bệnh dịch.
Cuối cùng các nhà khảo cổ tra các thư tịch cổ, rút ra được suy luận hợp lý, đó là người Điền cổ có phong tục chôn 2 lần. Mổ núi Kim Liên chính là tổ tiên của họ. Lần an táng thứ 2 là chôn chung một chỗ.
Có sự trùng hợp cao độ về những yếu tố văn hóa này, có phải chứng minh người Batak Indonesia chính là hậu duệ của người Điền cổ đại?
Các nhà khảo cổ vẫn còn chờ xét nghiệm DNA, mới có thể xác định được quan hệ huyết thống giữa họ.
Năm 2016, giáo sư nhân loại học Học viện khoa học sinh mệnh Đại học Phục Đán là Lý Huy đã làm kiểm nghiệm như sau. Ông lấy mẫu DNA của người bản địa bán đảo Trung Nam, kết quả cho thấy, người Batak và người Bách Việt cổ đại ở Trung Quốc có mức độ tương đồng DNA rất cao, tương đồng đến 80-85%, nhưng quan hệ huyết thống với người Điền cổ đại vẫn là một ẩn đố, bởi vì đến nay vẫn chưa xét nghiệm thành công DNA từ xương cốt lấy từ mộ người Điền cổ.
Bản đồ Bách Việt và Hoa Hạ. (Nguồn: tindachieu)
Do đó chỉ có thể suy đoán logic, nếu người Bách Việt và người Điền cổ có quan hệ huyết thống gần, thế thì người Batak Indonesia cũng có quan hệ huyết thống với người Điền cổ.
Tam Tinh Đôi sau khi diệt vong, một bộ phận người Tam Tinh Đôi di cư đến bờ hồ Điền Trì, đưa văn minh đồ đồng đến khu vực hoang vu man di này, vốn vẫn thuộc thời đồ đá. Đây chính là nguồn gốc người Điền cổ đại. Một số bộ phận nhỏ tiếp tục đi xuống phía nam, đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á, mang theo kỹ thuật đồ đồng tinh xảo và hòa nhập vào những tộc người bản địa, tạo nên văn hóa đồ đồng Đông Sơn.
Mấy trăm năm sau, đại tướng nước Sở là Trang Kiểu chinh phục khu vực này, lập nên quốc gia Điền Quốc cho đến thời Hán bị diệt vong. Nhưng thời kỳ này, xung quanh Điền Trì vẫn chưa hình thành xã hội quốc gia thành thục, nên không tìm thấy kinh đô bề thế. Sau khi Điền Quốc bị nhà Hán tiêu diệt, những người Điền cổ đại là hậu duệ người Tam Tinh Đôi năm xưa lại lần nữa di cư đến Việt Nam và Indonesia xa xôi hơn, và đem theo văn minh đồ đồng đến Việt Nam, Indonesia và vùng Đông Nam Á rộng lớn.
Nguồn: NTDVN
Bài viết liên quan
Khám Phá Bí Ẩn, Khoa Học Công Nghệ, Văn Minh Cổ Đại, UFO, Tâm Linh...
Copyright © 2024 by bianvn.comThiết kế và phát triển bởi P.A Việt Nam