Hôm vừa rồi trong bài viết nói về nhiếp ảnh và tác động của AI đối với nhiếp ảnh, mod Hoàng Hải có nhắc sơ qua về câu chuyện về tấm hình “The Electrician” của “nghệ sĩ hình ảnh” Boris Eldagsen.
Tấm hình được tạo ra từ mô hình ngôn ngữ machine learning, rồi nhận được cả giải thưởng ở hạng mục Sáng Tạo tại cuộc thi Sony World Photography Awards.

Theo dõi toàn bộ sự kiện này, mình nghĩ bản thân câu chuyện này cũng xứng đáng có một bài viết riêng, đơn giản vì lý do Eldagsen quyết định gửi tấm hình “The Electrician” tới tham gia giải SWPA, cũng như lý do ông này đến tận nơi tổ chức gala trao giải của SWPA để từ chối giải thưởng trị giá 5.000 USD, dưới hình thức những món thiết bị nhiếp ảnh của Sony, cùng cơ hội được trưng bày tác phẩm ở triển lãm.

Trên trang web cá nhân, Boris Eldagsen, sinh năm 1970, tự giới thiệu bản thân là một “nghệ sĩ hình ảnh” với cuộc hành trình khám phá tâm trí vô thức của con người, thứ mà ông cho rằng “trong cả hai thế kỷ ngành tâm lý học tồn tại, ý thức vô thức vẫn luôn là thứ mơ hồ nhưng quyền lực hệt như chính những vị thần mà con người vô thức định hình”.

Và ngay sau khi SWPA công bố tác phẩm The Electrician của Eldagsen giành được giải thưởng hôm 14/3/2023, ông đã có cuộc phỏng vấn với Moritz Neumüller, đăng tải trên trang ReVue, mô tả nguyên nhân vì sao ông gửi tác phẩm AI tạo ra để đi dự thi giải nhiếp ảnh, cũng như những tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực đối với quá trình sáng tạo, chứ chẳng riêng gì nhiếp ảnh.

Đầu tiên là nguồn gốc của The Electrician. Tác phẩm này là một phần của chùm tác phẩm được đặt tên PSEUDOMNESIA: Fake Memories của Eldagsen. Ông mô tả loạt tác phẩm hình ảnh do AI tạo ra: "Pseudomnesia là một cụm từ tiếng Latin, dịch ra là ký ức giả tạo, chẳng hạn như những hồi ức giả về những sự kiện chưa từng diễn ra, trái ngược hoàn toàn với ký ức không chính xác. Những hình ảnh trong bộ sưu tập được đồng sản xuất với những phương tiện trí tuệ nhân tạo.

Sử dụng ngôn ngữ hình ảnh thập niên 1940, Boris Eldagsen tao ra những hình ảnh dưới hình dạng những ký ức giả tạo, chưa từng tồn tại, chưa từng có một ai chụp lại. Những hình ảnh này được tạo ra từ những câu lệnh ngôn ngữ, rồi được biên tập lại từ 20 đến 40 lần nhờ công cụ tạo hình bằng AI, kết hợp những kỹ thuật “inpainting”, “outpainting” và chỉnh hình ảnh bằng “prompt.”"
Cũng trong phần mô tả dự án hình ảnh, Eldagsen có một tuyên bố khá gây tranh cãi: “Hệt như cái cách nhiếp ảnh thay thế cho hội họa trong việc ghi lại hình ảnh cuộc sống, AI rồi cũng sẽ thay thế cho nhiếp ảnh. Đừng hoảng sợ trước cái tương lai ấy.”

Và bức The Electrician thuộc Part I của PSEUDOMNESIA được gửi lên ban tổ chức SWPA, rồi được nhận giải ở hạng mục Sáng Tạo. Ngay lập tức, Eldagsen đã có những tuyên bố trên blog cá nhân về sự việc này, cũng như quan điểm của ông về trí tuệ nhân tạo trong quá trình sáng tác nghệ thuật và công việc sáng tạo nói chung.

Nói một cách ngắn gọn, The Electrician được gửi đi dự thi đơn giản vì Eldagsen muốn xác định xem ban tổ chức giải SWPA có đủ kinh nghiệm phát hiện hình ảnh do AI tạo ra thay vì con người sắp đặt cả hình ảnh lẫn ánh sáng rồi dùng những thiết bị cực kỳ đắt tiền chụp lại hay không. Rõ ràng có vẻ như ông đã thành công trong mục tiêu này, khi tấm hình AI tạo ra giành giải thưởng, giữa thời điểm những công cụ như DALL-E, Midjourney và Stable Diffusion càng lúc càng tạo ra tiếng vang vài tháng gần đây.
Mà cũng chỉ cần nhìn vào những bàn tay trong tấm hình, anh em cũng có thể dễ dàng nhận ra đó là hình của AI tạo ra, vì thuật toán có hoàn chỉnh tới đâu, giới hạn dữ liệu huấn luyện cũng khiến việc tạo ra những bàn tay thông qua thuật toán AI trở thành thứ khó nhất. Lấy ví dụ bức “The Deal” trong PSEUDOMNESIA Part II:

Trên trang blog, ngày 14/3/2023, ngay khi biết tin mình nhận giải, Eldagsen tuyên bố không nhận giải, và nói rằng: "Tôi rất hạnh phúc khi giành giải thưởng ở hạng mục Sáng Tạo của Sony World Photography Awards 2023. Tôi đã bắt đầu với nhiếp ảnh từ năm 1989, rồi từ năm 2000 trở thành một nghệ sĩ hình ảnh. Sau hai thập kỷ làm nhiếp ảnh, mục tiêu sáng tạo của tôi đã chuyển dịch sang việc khám phá những tiềm năng của kỹ thuật tạo hình từ AI.
Tác phẩm mà SWPA đã chọn là kết quả của quá trình tạo hình phức tạp bao gồm lệnh tạo hình, inpainting và outpainting dựa trên nguồn kiến thức nhiếp ảnh của cá nhân tôi. Đối với tôi, làm việc với công cụ tạo hình AI là một quá trình đồng sáng tạo, trong đó tôi là người nắm quyền điều khiển. Làm việc đó không chỉ đơn giản là ấn một nút là xong. Quá trình ấy bao gồm cả việc khám phá sự phức tạp của nó, từ việc tinh chỉnh câu lệnh, rồi tạo ra flow làm việc và kết hợp những nền tảng và kỹ thuật khác nhau. Quá trình làm việc với thuật toán AI càng phức tạp với những tham số khác nhau, thì tính sáng tạo càng cao.
Tôi gọi những tác phẩm của mình là “hình” (images). Chúng được tạo ra từ công cụ nhân tạo, dựa trên ngôn ngữ nhiếp ảnh. Chúng là “hình” chứ không phải “ảnh” (photographs)."

Để công bằng thì tuyên bố ngày 14/3 của Eldagsen mới chỉ là lời đính chính vì ban tổ chức SWPA hoặc không biết, hoặc quên đề cập tác phẩm đoạt giải là tạo ra từ AI. Rồi đến ngày 13/4, ông đích thân đến London, bỏ hẳn 800 USD thuê một bộ tuxedo để cướp mic và có bài phát biểu từ chối nhận giải:
"Có bao nhiêu người trong số các bạn biết hoặc nghi ngờ tấm hình của tôi là do AI tạo ra ? Nhìn bức hình đó có điều gì đấy không ổn mà đúng không? Hình AI và nhiếp ảnh không nên được đem ra tranh tài ở một cuộc thi nhiếp ảnh như thế này. Chúng là những thể loại hoàn toàn khác nhau. AI KHÔNG PHẢI NHIẾP ẢNH. Vì thế tôi không nhận giải thưởng này.
Tôi gửi bài dự thi theo kiểu nửa đùa nửa thật để xác định xem những cuộc thi nhiếp ảnh có sẵn sàng đối mặt và xác định hình nào người chụp, hình nào AI tạo ra hay không. Câu trả lời là không.
Chúng ta, thế giới nhiếp ảnh, cần một cuộc đối thoại mở. Cuộc đối thoại ấy phải nói về việc thứ gì sẽ được coi là nhiếp ảnh, thứ gì không phải. Liệu cái khái niệm nhiếp ảnh có đủ lớn để mời cả những tấm hình tạo ra bằng AI tham gia những cuộc thi, hay đây chỉ là một lỗi lầm? Hy vọng việc tôi từ chối giải thưởng này sẽ giúp cuộc đối thoại ấy diễn ra sớm hơn."


Thậm chí trước đó, triển lãm của giải thưởng cũng đã in tấm hình của Eldagsen và treo trưng bày. Nhưng ngay sau khi ông cướp mic trong gala trao giải, ban tổ chức đã đổi sang bức của nhiếp ảnh gia Anh Quốc Max Vere-Hodge, tấm hình giành chiến thắng hạng mục giải ảnh du lịch.
Và trước đó, ngày 31/3, trong cuộc trò chuyện với tiến sĩ Moritz Neumüller, Eldagsen đã có những chia sẻ kỹ hơn về sự cố này, cũng như ở khía cạnh rộng hơn là những cảm nghĩ của ông về nhiếp ảnh cũng như tác động tiềm năng của những thuật toán AI đối với nhiếp ảnh:
“Với trường hợp của giải thưởng, tôi đã được liên hệ từ tháng 1, ban tổ chức xin tài khoản Instagram và trang web nơi đăng tải tác phẩm của tôi cùng miêu tả tác phẩm. Nếu có người chịu tìm tới trang web và đọc, họ sẽ ngay lập tức biết tấm hình đó là tác phẩm của AI tạo ra.”

Nói về những vấn đề tiềm năng mà AI có thể gây ra, ông Eldagsen cho rằng: “Nhiếp ảnh chuyên nghiệp rồi sẽ gặp khó khăn vô cùng, vì nhiều ngành nghề giờ không còn cần tới sự hiện diện của con người nữa. Trong ngành nghệ thuật, mọi người có thể sẽ vui mừng vì những rào cản sáng tạo giờ đã bị gỡ bỏ. Nhưng với báo chí, ngược lại, nỗi lo sẽ là những tài liệu giả mạo được tạo ra chỉ trong vài giây, có thể để cho vui, nhưng cũng có thể mang mục đích xấu. Đấy là vấn đề mà con người chưa sẵn sàng những giải pháp đối mặt. Điều đó làm tôi đau đớn vì chính bản thân tôi cũng không biết cách giải quyết. Và rồi dĩ nhiên còn cả nhiếp ảnh cá nhân nữa. Chúng ta vẫn sẽ chụp hình trẻ nhỏ, chó mèo, nhưng cùng lúc sẽ mượn AI để mô tả những đứa con của chúng ta khám phá vũ trụ.”
Tiến sĩ Neumüller cũng đặt ra một nan đề để tranh luận: "Những công cụ anh sử dụng là một bước tiến khác so với những gì chúng ta có được trong phạm vi ngữ cảnh hậu nhiếp ảnh. Nói vậy tức là đề cập đến những cuộc tranh luận về bản chất của hình ảnh nhiếp ảnh với cả sự nguyên sơ, tính nguyên bản và tính chân thực của hình ảnh. Chúng tôi đã thảo luận điều này ở mọi giải nhiếp ảnh báo chí thế giới, về chuyện hình đã qua xử lý Photoshop có được tham gia tranh giải hay không.
Nhưng giờ có lẽ chúng ta có cả một định hướng mới. Đó là những kỹ thuật tạo ra những hình ảnh chính xác là từ hư vô, thông qua một nguồn lệnh từ những ngôn ngữ thơ ca cụ thể, rồi có thể được tinh chỉnh thông qua những kỹ thuật tự động. Để tôi đoán nhé, mục đích của anh là phân biệt thứ “hình ảnh thơ ca” này khỏi nhiếp ảnh thuần túy, và đưa ra tuyên bố rằng: Nhìn này, đây là một hình ảnh tôi sáng tác dựa vào DALL-E hoặc Stable Diffusion hoặc Midjourney, nhưng nó không phải nhiếp ảnh. Tôi nói đúng chứ?"
Eldagsen đồng ý với quan điểm này: "Chính xác, nó không phải nhiếp ảnh, và tôi nghĩ khác biệt ấy là thứ quan trọng. Tôi dùng ngôn ngữ hình ảnh để làm bước khởi đầu khi tạo ra những tấm hình. Tôi dùng kiến thức nghệ thuật của bản thân. Nhưng kết quả không phải là một thứ được tạo ra bằng cách bước ra ngoài thế giới thật, mà đến trực tiếp từ bộ não của tôi, dùng những công cụ mà AI cung cấp. Đó là khác biệt.
Một mặt, bạn có thể làm theo những gì tôi đã làm trong cả năm qua, thử nghiệm rất nhiều với câu lệnh rồi cố gắng “hack” AI để xem kết quả thu được là gì. Những câu lệnh là những công thức phức tạp với 10 hoặc 11 yếu tố khác nhau. Nhưng những AI mới nhất đủ sức tạo ra những kết quả rất giống hình thật chỉ bằng những câu lệnh đơn giản nhất. Và đó là thứ làm tôi khó chịu về mặt lý tưởng, vì tôi lo ngại cho xã hội khi những hình giả mạo ấy lan truyền.
Nhưng ở khía cạnh nghệ thuật, làm việc với AI đồng nghĩa với việc tôi có tự do tuyệt đối khi sáng tác. Tôi không bị vật chất bó buộc, tôi có thể tự do tạo ra mọi thứ mà bộ não của tôi hình dung ra nhưng không thể chụp lại được trong đời thật."
Nguồn: Genk