Vì sao chú thỏ trắng được yêu mến tôn thờ đến thế? Hé mở từ văn hóa Thần truyền Đông-Tây

28/05/2023 - Lượt xem: 652

“Chú thỏ trắng nhỏ, trắng lại đến trắng, hai tai vểnh lên, rất thích ăn củ cải và rau, nhảy tung tăng thật là đáng yêu!”

Các bé đội mũ tai thỏ, tay cầm đèn hình chú thỏ vừa chơi vừa hát. “Chú thỏ nhỏ ngoan ngoãn ơi, hãy mở cửa ra nào… Nếu như ngươi không mở cửa, ta cũng không mở, mẹ của ngươi còn chưa trở về, ai đến cũng không mở được.”

Bài đồng dao mà các em bé Trung Quốc đều thuộc lòng từ khi bắt đầu bi bô tập nói này có lẽ cũng là những ấn tượng tươi đẹp đầu tiên về chú thỏ trong lòng mỗi người chúng ta.

Dựa theo lịch pháp cổ Trung Quốc, ngày đầu tiên của Lập Xuân được coi là ngày bắt đầu một năm mới, cũng chính là nói rằng, nếu như sinh sau ngày 4 tháng 2 năm 2023 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão) mới được tính là tuổi con thỏ! (Ghi chú của người biên tập: Ở Việt Nam, năm Mão là năm con Mèo; nhưng tại các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, năm Mão là năm Thỏ). Những chú thỏ nhỏ với bộ lông mềm mượt đáng yêu khiến mọi người yêu thích, gợi lên tình yêu thương và sự chăm sóc của mẹ; hình ảnh những chú thỏ tinh nghịch trong truyện cổ tích đã bất tri bất giác làm bạn cùng trẻ nhỏ tới lúc trưởng thành, gửi gắm trong đó là hy vọng và sự lạc quan vui vẻ; hình tượng chú thỏ qua những câu chuyện được kể đi kể lại vào những dịp lễ hội chứa đựng nội hàm văn hóa phong phú, gửi gắm những hi vọng tốt đẹp, truyền cảm hứng cho hàng triệu tâm hồn.

Trong truyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ” của Aesop, chú thỏ kiêu ngạo khi chạy được nửa đường đã quay ra ngủ nướng và cuối cùng bị thua; còn rùa đen tuy chậm chạp nhưng lại luôn kiên trì không ngừng bò từng chút từng chút một. Bởi vì mải mê đuổi theo chú thỏ trắng biết nói chuyện đang cầm chiếc đồng hồ bỏ túi, cô bé Alice rơi xuống hang thỏ và bước vào thế giới kỳ diệu dưới lòng đất. “Alice ở xứ sở thần tiên” xuất bản năm 1865 có ảnh hưởng sâu sắc đến các tiểu thuyết giả tưởng sau này như “Phù thủy xứ Oz” và “Biên niên sử Narnia”.

Hình ảnh trong truyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ” của Aesop (Public Domain)

Nổi tiếng khắp thế giới hàng trăm năm qua và được hàng nghìn người yêu thích, chú thỏ Peter Rabbit trong chiếc áo khoác xanh do nữ họa sĩ người Anh là Beatrix Potter chấp bút vào thời nữ hoàng Victoria. Câu chuyện thỏ Peter sinh động hóm hỉnh, vô cùng thú vị này vốn là cuốn sách rất được hoan nghênh tại nhiều nơi, nhiều bé yêu thích đến mức đã lựa chọn làm cuốn sách gối đầu giường của mình. Lời văn trong truyện ngọt ngào, giàu cảm xúc, quả thực có nhiều tình tiết khiến hai mẹ con đang đọc cùng nhau không hẹn mà cùng cười nghiêng ngả, thậm chí còn diễn vai các nhân vật khác nhau trong truyện.

Chú thỏ Peter Rabbit được vẽ bởi họa sĩ Beatrix (Nguồn: F&W)

Khung cảnh bao la trù phú của sơn nước hữu tình tại vùng quê Lake District quả thực lay động lòng người, không gian đồng quê mang hơi hướng cổ điển lại vô cùng thanh tịnh, yên tĩnh đã mang đến cho Porter nguồn cảm hứng sáng tác vô tận, cùng với sự thoải mái trên phương diện tinh thần. Nữ nhà văn nổi tiếng này ngược lại cũng dành tặng cho quê hương của chú thỏ Peter Rabbit một tình cảm ưu ái đặc biệt.

Cô đã lần lượt sử dụng tiền bản quyền xuất bản cuốn sách của mình để mua 15 trang trại và một số hồ nhỏ, đồng thời cố gắng hết sức bảo vệ vùng quê yên bình và tươi đẹp này tránh khỏi ô nhiễm môi trường từ quá trình công nghiệp hóa và ảnh hưởng tiêu cực do tốc độ phát triển thương mại mất kiểm soát gây ra. Trước khi qua đời, cô đã hiến tặng toàn bộ hơn 4.000 mẫu đất của mình cho tổ chức National Trust. Dưới vai trò thúc đẩy của tổ chức này, cùng với với nỗ lực duy trì của tất cả các địa phương, khu vực Lưỡng Hồ vẫn bảo tồn lưu giữ được phong cảnh tự nhiên mỹ lệ như tranh vẽ và phương thức sinh hoạt truyền thống “Nông phu công tượng” (Nông dân – Thợ thủ công).

Thỏ mặt trăng cũng chính là thỏ Tiên

Những văn vật vào thời nhà Hán hơn 2.000 năm trước đã tồn tại những bích họa khắc trên đá mang hình tượng thỏ mặt trăng đang làm động tác giã thuốc nam.

Đó có phải là chú thỏ được Hằng Nga ôm vào lòng lúc bay lên cung trăng không? Căn cứ theo những ghi chép của pháp sư Huyền Trang trong tập 7 “Đại Đường Tây Vực ký”, vì để cứu sinh mệnh một lão nhân đang hấp hối, con thỏ đã cam nguyện dấn thân vào trong ngọn lửa đang cháy hừng hực, đem nhục thân của chính mình thiêu đốt thành đồ ăn để ông lão kia có thể giữ được tính mạng trong cơn đói rét.

Đế Thích Thiên (vị Thần hộ Pháp của Phật giáo) vô cùng cảm động trước lòng thành tâm của con thỏ, đã khôi phục lại thân thể cho nó, đồng thời cho phép nó được lưu lại nguyệt cung để các thế hệ sau đời đời ngưỡng vọng, ca ngợi và truyền tụng.

Qua điển cố này có thể thấy được rằng đây là một con thỏ đắc Đạo và được thăng thượng thành Tiên. “Sáng tựa như sương, ấm áp như ngọc bích… Trong sáng và thuần khiết, ẩn tàng nét thanh cao mà lại tuần hoàn không ngưng nghỉ… Điều được dung nạp trong đó là lòng nhân từ, chân thành” (Trích từ bài “Bạch thỏ vịnh” của Tưởng Phòng). Chỉ có như vậy, nó mới xứng đáng được tán dương. Chúng ta hãy xem cách mà cổ nhân đã tạo dựng hình tượng thỏ ngọc vô cùng tinh xảo, dưới thân được bao phủ bởi tường vân, trên đầu được cài lên vòng hoa nguyệt quế, các bộ phận được chạm khắc trông vô cùng tinh mỹ, khiến nó càng toát lên vẻ băng thanh ngọc khiết, sinh động, giống như được thổi hồn vào trong.

Mặt trăng, quả thực đúng là tương phụ tương thành với tâm ý, bóng hình chiếc thuyền cô độc cùng với hình ảnh mặt trăng – thỏ ngọc dường như đã gắn kết với nhau khó có thể tách rời. (Shutterstock)

Nhật, nguyệt cùng với ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ hợp lại với nhau và được xưng tụng là Thất diệu, Thần Mặt trăng trong Đạo giáo còn được gọi là Thái Âm Tinh Quân. Vậy nên mới có câu “Kim kê lặn ở phía tây, thỏ ngọc thăng lên ở đằng đông”, ý nghĩa chính là mặt trời lặn ở phía tây, còn mặt trăng mọc ở phía đông. Truyền thuyết kể lại rằng, có một con quạ ba chân ngụ ở bên trong Mặt trời, vì lẽ đó nên mới được gọi là “Kim ô”, cũng là để chỉ mặt trời; còn “thỏ ngọc” là để gọi Mặt trăng. “Thỏ trắng và xích ô rượt đuổi nhau”, có ý nghĩa là mặt trăng và mặt trời đang tương hỗ và đối ứng lẫn nhau, rượt đuổi theo nhau, thời gian cũng vì thế mà trôi nhanh; “thời gian thấm thoắt thoi đưa”, là cách ví von nhật nguyệt  xoay vòng, luân chuyển, thời gian trôi qua rất nhanh.

Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu và Tết Nguyên đán là ba lễ hội hoa đăng truyền thống ở Trung Quốc. Bắt nguồn từ truyền thống thắp đèn lồng lễ Phật trong các ngôi chùa thời Đông Hán, nó đã được mở rộng thành một nghi lễ lớn để tế Thần và cầu nguyện phước lành từ hoàng cung đến dân gian. Mọi nhà dâng hương thắp đèn, cầu mong Thần linh phù hộ, mùa màng bội thu, an khang sum họp. Trong đó có đèn lồng, đèn bằng vải lụa, đèn hoa sen, đèn cá chép, đèn hổ, đèn thỏ, đèn bưởi…

Vô số các loại đèn màu khác nhau với đủ loại hình dáng kích cỡ tựa như sông Ngân Hà đang giáng hạ xuống thế gian, xua tan bóng tối và những điều xui xẻo, mang đến hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, đồng thời cũng ngụ ý rằng hương hỏa sẽ tiếp tục được truyền thừa cho các thế hệ kế tục, ý chí và ngọn lửa sẽ được lưu truyền từ đời này sang đời khác, nhà nhà ấm no thịnh vượng, quốc thái dân an. Trong tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến, và những tộc người ở khu vực phía nam sông Hoàng Hà thì “thắp đèn” và “sinh con trai” là từ đồng âm.

Làng Đại Bố, huyện Ninh Đô, tỉnh Giang Tây vẫn kế thừa phong tục dân gian là “qua đèn” từng rất thịnh hành vào thời nhà Đường: Hàng năm vào dịp Tết Nguyên tiêu, các hương thân, phụ lão sẽ thắp lên linh vật biểu tượng – đèn thỏ mẫu tử, sau đó sẽ mang đi diễu hành ngoài cánh đồng, trên đường phố, nhà thờ tổ. Trong cảm nhận của mọi người, thỏ không chỉ khéo léo, lanh lợi, ngoan ngoãn mà còn sinh sôi nhanh chóng, có một năng lực sinh sản siêu thường. Tết Trung thu tưởng nhớ về cung trăng, là dịp các cô nương mong đợi có được một mối lương duyên tốt đẹp; phụ nữ có gia đình sẽ mong cầu sinh được nhiều con, vợ chồng hòa thuận, gia đình hạnh phúc.

“Ông Thỏ” giúp đỡ bách tính khỏi ôn dịch

[Làm] Ông thỏ là một nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân, bắt nguồn từ triều đại nhà Minh, khi các bé gái dùng những con búp bê bằng đất sét để lễ bái mặt trăng, sau này nó trở nên phổ biến vào thời nhà Thanh, với hình dáng sinh động và đa dạng, dần dần trở thành đồ chơi cho trẻ em.

Truyền thuyết kể rằng một năm nọ, nữ Thần có nhiệm vụ trông coi mặt trăng là Hằng Nga nhìn thấy thảm cảnh thành Bắc Kinh bị bệnh dịch bao trùm nên đã gửi Thỏ Ngọc hạ xuống trần gian cứu giúp mọi người. Thỏ Ngọc trước tiên hóa thân thành một cô gái và chữa khỏi bệnh cho nhiều hộ gia đình. Mọi người thấy vậy liền mang rất nhiều lễ vật đến để cảm ơn cô, nhưng Thỏ Ngọc chỉ lắc đầu và nói chỉ cần đưa cho cô một bộ y phục là đủ rồi! Dù sao thì cũng là thân nữ, khi xuất hiện trước đám đông quả thật có đôi chút bất tiện.

Vậy là Thỏ ta mỗi lần ra ngoài liền thay y phục, lúc thì cải trang thành nam tử, lúc thì là một cô gái, lúc lại hoá trang làm người xem bói toán, đôi lúc lại giống người bán dầu, nhưng có một đặc điểm không thay đổi là đôi tai của mình không cách nào giấu đi được. Để giúp đỡ nhiều người hơn nữa chóng thoát khỏi vòng vây vong tử của thế lực ma quỷ tàn ác, Thỏ Ngọc đã đích thân đến miếu tự thỉnh cầu Vi Đà Bồ Tát cho mượn kim giáp trụ, khoác lên mình rồi cưỡi trên lưng ngựa, hổ hoặc sư tử, không quản ngày đêm đi đến toàn bộ địa phương nội ngoại kinh thành. Khi bệnh dịch được đẩy lùi, Thỏ Ngọc mệt mỏi đến mức không còn chút sức lực, ngủ thiếp đi dưới cột cờ ngoài cổng chùa, cuối cùng cũng hiện nguyên hình là Thỏ Ngọc. Sau khi tỉnh dậy, nó từ biệt những người xung quanh, bay lên mây và quay trở lại Nguyệt cung.

Các nghệ nhân đã sử dụng phương pháp tạo hình bằng đất sét để tạo nên hình tượng thần thánh của Thần Thỏ trên cung Quảng Hàm khi hạ thế và cứu độ chúng sinh, bách tính cũng thường gọi bằng một cái tên thân thiết là “Thỏ lão gia”. Mỗi dịp Tết Trung thu, người dân trong kinh thành sẽ tưởng nhớ đến ân đức, cung phụng Thần thỏ, dâng lên đồ ăn, hoa quả, đậu và bánh trung thu.

Người mặc kim khôi giáp trụ, tay cầm cối giã thuốc, mặt trắng hồng, tai dài, lông mày hình quả núi, miệng tách ra ba hướng, sau lưng cắm một lá cờ là những hình ảnh gắn liền  với “Thỏ lão gia”. Hình tượng lão thỏ cưỡi trên lưng hổ là một cách tạo hình kinh điển được dân gian đặc biệt yêu thích, vừa thanh tú lại có phần uy vũ, quả thực toát lên một phong thái nhiệt huyết khó lòng diễn tả!

Hàm ý trong đó là sự kết hợp giữa cương và nhu, chính nghĩa và uy vũ, sự nghiệp thịnh vượng và cách đối nhân xử thế. Mão Thỏ ngồi trên Dần Hổ, mang nội hàm rằng Mão có thể khuất phục được Dần Hổ, nguyện vọng giàu có và sung túc. Chú thỏ tưởng chừng yếu ớt lại có thể hiệu triệu được muôn thú, biểu thị rằng sức mạnh của lòng nhân từ, tâm hồn thiện lương đã thuần phục được mãnh thú. Rất nhiều Thần thú đại biểu cho sự cát tường như sư tử, voi, hươu sao, kỳ lân, v.v… đều tranh giành để được làm tọa kỵ cho thỏ ngọc. Bên cạnh đó cũng có những hình tượng Thần Thỏ ngồi trên hoa sen, hoa mẫu đơn, hồ lô hay trái đào, tượng trưng cho những ý nghĩa tốt lành khác nhau.

Ngoài trang phục võ tướng uy nghiêm lẫm liệt mà chúng ta thường thấy, còn có hàng trăm bộ y phục khác nhau, hoặc cũng có lúc “Thỏ lão gia” hóa thân thành bách tính bình phàm như là người khâu giày, bán hoành thánh, gánh hàng rong, hay đang bồng em bé… Đơn giản và thân thiện, rất thực tế.

Còn nhớ năm đó, những gian hàng bán Thỏ lão gia bắt mắt và hấp dẫn như thế nào? Đó là những ký ức về một  đời tuổi thơ mà lớp người thế hệ trước không thể nào quên (Theo Wikipedia)

Tại kinh thành, “Thỏ lão gia” đã trở nên nổi tiếng và được nhiều người yêu thích trong hơn 400 năm, mãi cho đến khoảng thời gian mà quân Nhật chiếm đóng Trung Quốc, nó vẫn còn được quần chúng ủng hộ đón nhận, tuy nhiên sau đó đã biến mất trong vòng 30 năm kể từ những năm 1950. Kỹ thuật chế tác gần như đã thất truyền, lớp người kế tục hầu hết không còn một ai.

Trong tiểu thuyết “Bốn thế hệ dưới một mái nhà” của Lão Xá, ông Kỳ đã nghĩ tới việc con cháu của ông “sẽ sống trong một Bắc Kinh mà không có Lão thỏ gia, cùng với sự biến mất của Ông thỏ, rất nhiều thứ ngộ nghĩnh, độc nhất vô nhị chỉ có tại Bắc Kinh cũng sẽ biến mất!”.  Một câu nói đã trở thành lời tiên tri, trước trận hỏa hoạn thiêu rụi những bộ trang phục kinh kịch vào tháng 8 năm 1966, Lão Xá đã bị Hồng vệ binh đánh đập dã man, ngày hôm sau ông đã gieo mình xuống hồ tự vẫn.

Nguyệt quang chiếu sáng, và lễ hội Phục sinh mà mọi người đều mong đợi

Rất nhiều nền văn minh trong lịch sử nhân loại đã thần thánh hóa loài thỏ. Con người hiện đại lại quen thuộc với việc thuần hóa thỏ (Rabbit), còn thỏ trong truyền thuyết cổ xưa hay trong các điển cố phần lớn vẫn là loài thỏ rừng tự nhiên. Loài thỏ rừng khi chạy trốn có thể đạt tới vận tốc 56─72 km/h, có câu “nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố” (thố cũng có nghĩa là thỏ). Tại Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Á khác đều có truyền thuyết về thỏ mặt trăng, và trong tàn tích của nền văn minh Maya cũng có những tác phẩm điêu khắc về Thần mặt trăng đang ôm thỏ. Người bản địa tại châu Mỹ là Algonquians tin rằng sau trận Đại hồng thủy, thì vị Thần mà họ tôn thờ là “Thần thỏ”  đã sắp xếp và kiến tạo lại một thế giới mới. Ở Ai Cập cổ đại cũng có những bức phù điêu khắc họa nguyên hình của loài thỏ trong hình dáng của nữ Thần. Trong thời kỳ Shaman giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta sẽ treo những đồ vật làm từ lông thỏ đặt trong lều của sản phụ khi sinh, điều này tượng trưng cho sự bảo vệ.

Mùa xuân về đất trời, vạn vật hồi sinh, sinh sôi nảy nở.Thỏ Phục sinh và trứng.  (Shutterstock/Epoch Times tổng hợp)

Ở châu Âu, thỏ là thú cưng của Thần tình yêu Aphrodite, và cũng là người thắp đèn dẫn đường cho nữ Thần đất đai của người Đức là Horta. Truyền thuyết kể rằng thỏ rừng không chỉ là tinh linh của Mặt trăng mà còn có mối liên hệ với nữ Thần mùa xuân (Ostara), Thần Ostara đã cứu một con chim có đôi cánh bị tổn thương bởi giá rét, và đem nó biến thành hình dạng của một con thỏ. Vì đã từng là một loài chim nên nó vẫn giữ được khả năng đẻ trứng… Giờ đây, những chú thỏ được hóa thân thành những người đi phát trứng Phục sinh cho trẻ em.

Lễ Phục sinh tượng trưng cho sự hồi sinh và niềm hy vọng, chính là một dịp lễ trọng đại nhằm kỷ niệm thời khắc phục sinh của Chúa Giêsu, được tổ chức vào ngày Chủ Nhật đầu tiên sau kỳ trăng tròn mỗi tiết Xuân Phân hàng năm, vừa khéo dịp sắc xuân dạt dào, tràn trề sức sống, cũng là thời điểm nở rộ của hoa bách hợp và là mùa sản sinh cao điểm của loài thỏ. Chính sự mỹ hảo thuần khiết cùng với nguồn sống bất tận đó đã trở thành biểu tượng của lễ Phục sinh. Thần khí hồi sinh, vạn vật canh tân, cứu rỗi nhân loại, thỏ may mắn ban tặng phúc lành, các bạn nhỏ vào dịp lễ Phục sinh sẽ đi kiếm tìm những quả trứng nhiều màu sắc – một biểu tượng cho sự tân sinh mà người lớn đã cất giấu khắp nơi nơi trong bãi cỏ hoa viên gần nhà… Vào thế kỷ 18, những người Đức nhập cư đã mang đến nước Mỹ tập tục này, từ đó hình ảnh thỏ Phục sinh được phổ biến và lưu truyền sâu rộng trong tiềm thức nhiều lớp thế hệ thiếu nhi với tên gọi thân thương – Thỏ Bang Ni (Easter Bunny).

Nguồn: DKN