Người xưa cho rằng cái gốc của người làm quan nằm nền tảng đức hạnh.
Nói về việc chọn lựa và cất nhắc hiền tài vào các vị trí trong chính quyền, người xưa cho rằng người có tài chỉ là phụ, người có đức mới quan trọng. Vậy cổ nhân chọn và dùng hiền tài như thế nào? Dưới đây là một số quan điểm về chọn dùng người có đức có tài đáng để suy ngẫm.

Ảnh sưu tầm.
Về việc lựa chọn hiền tài, Đường Thái Tông, bậc Thiên cổ nhất đế có đưa ra quan điểm rằng cần dựa trên nền tảng đức hạnh và sự hiểu biết. Trong ‘Trinh Quán chính khách – sùng Nho cuốn 27’, Đường Thái Tông nói với quan viên theo hầu bên cạnh rằng, điều chủ yếu của làm chính sự là cần đắc được lòng dân. Chỉ dựa vào tài năng sẽ rất khó làm. Đối với công việc này, phải dựa vào nền tảng đức hạnh và sự hiểu biết.
Còn đối với vấn đề tìm kiếm người hiền đức, ông cho rằng cần mở rộng phạm vi và không phân biệt địa vị xuất thân. Ông nói rằng: “Những chí sĩ với tư cách là người hiển đạt, họ nhất định là đang âm thầm tu dưỡng, trau dồi học thức cùng phẩm đức, chờ đợi thời cơ gặp thánh chủ hiền thần, thi triển khát vọng.
Cho nên bậc thánh chủ minh quân sẽ tìm kiếm nhân tài tuấn kiệt khắp nơi, mở rộng phạm vi tìm hiểu người hiền tài. Ở những ngôi làng hẻo lánh, họ cũng muốn đến để tìm ra. Chỉ cần là người tài có thể sử dụng, sẽ không bởi vì xuất thân của người này thấp hèn mà không cần, cũng không bởi vì từng bị họ làm nhục mà thiếu tôn trọng”, trích ‘Cầu hiền’ trong cuốn ‘Đế Phạm’.
Bàn về phân bổ công việc, Đường Thái Tông đưa ra quan điểm rằng, khi đã chọn được người có đức có tài rồi thì dựa vào tài năng cao thấp mà phân công công việc, làm thế nào để phát huy tối đa năng lực của họ. Thái Tông viết trong cuốn ‘Đế phạm’ để dạy bảo thái tử Lý Trị rằng: “Nói về việc thiết lập chức quan, cần thúc đẩy được việc tuyên truyền giáo hóa dân chúng.Vì vậy, người làm minh chủ như người thợ mộc khéo tay chế tạo xe kéo, khúc thẳng đặt làm càng xe, khúc cong đẽo vào chỗ bánh xe, khúc dài dùng làm trụ, khúc ngắn đặt ở chỗ nối góc, vô luận là cong thẳng ngắn dài đều có chỗ dùng được.
Người đảm nhiệm làm minh chủ, cũng giống như vậy. Đối với bậc trí giả thì chọn dùng mưu của họ, kẻ ngốc nghếch thì chọn dùng sức, kẻ dũng chọn lấy uy của họ, người nhút nhát chọn lấy sự thận trọng của họ; dù là trí, ngu, dũng, nhút nhát, đều có chỗ dùng được. Cho nên mới nói, bậc lương tướng không vứt bỏ tài năng, bậc minh chủ không vứt bỏ sĩ. Không vì một việc ác mà bỏ qua tất cả những việc thiện mà họ đã làm, chớ vì một điểm sai lầm nhỏ mà tước bỏ hết công sức họ đã bỏ ra.

Nguồn: Ảnh BHX
Với tư cách là bậc quân chủ, từ trên xuống dưới, ở ngôi cao nhìn xuống, bao quát các cực, thuận theo bốn mùa, dựa vào trái tim rộng một tấc vuông để xử lý mọi việc trong thiên hạ. Nếu như không mượn nhờ trí tuệ cùng sức của người khác trợ giúp, sao có thể làm thành công được? Cho nên cần phân ra rõ các chức quan lớn nhỏ, biết rõ người hiền, chọn tài phân lộc.
Chọn được một người tốt thì việc giáo hóa dân chúng sẽ rộng khắp, chọn sai một người thì sẽ khiến dân chịu tổn hại”.
Nhờ việc lựa chọn đúng người có đức có tài để trọng dụng mà Đường Thái Tông đã sáng tạo nên thời Đại Đường thịnh thế. Cũng nhờ những dạy bảo của ông lưu lại cho hậu nhân mà triều đại nhà Đường đã kéo dài hơn 300 năm.
Bàn về lựa chọn nhân tài, Tư Mã Quang, một nhà văn, nhà sử học nổi tiếng thời Bắc Tống, người chủ trì biên soạn bộ thông sử đầu tiên của Trung Quốc là ‘Tư trì thông giám’, cũng nói rằng hãy nhìn vào đức và tài của người đó.
Ông cho rằng, người trên thế gian được phân làm 4 loại. Người thứ nhất là tài đức vẹn toàn, người như vậy gọi là Thánh nhân. Người thứ hai là đức hạnh rất lớn nhưng tài năng thấp hơn đôi chút, người này gọi là quân tử. Người thứ 3 là đức hạnh và tài năng đều không có, người này gọi là người ngốc. Người thứ 4 là tài năng rất lớn nhưng đức hạnh rất kém, người như vậy gọi là tiểu nhân. Khi tuyển chọn người tài năng phục vụ đất nước, quan điểm của Tư Mã Quang là cần trọng dụng Thánh nhân, quân tử, nếu như không tìm được Thánh nhân quân tử thì thà dùng người ngốc cũng không trọng dụng tiểu nhân.
Truy cứu lý do đưa ra quan điểm này, Tư Mã Quang cho rằng, người quân tử có tài năng thì có thể làm việc thiện lương, còn kẻ tiểu nhân có tài nhất định là việc mà họ làm thường là việc ác.
Người ngu muốn hành ác nhưng tài năng không đủ thì việc muốn cũng không thành. Còn kẻ tiểu nhân có tài thì mưu trí của họ đủ để thực hiện hành vi gian trá, thậm chí còn đủ sức thực hiện hành động bạo ngược, nếu loại người này được trọng dụng thì họ giống như hổ mọc thêm cánh, khiến cho mức nguy hại không gì sánh kịp.

Ảnh sưu tầm.
Vậy làm thế nào để nhìn rõ tài đức của một người để chọn dùng? Trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên có ghi lại một câu chuyện về Ngụy Văn Hầu, vị quân chủ khai quốc của nước Ngụy. Khi ông muốn lựa chọn người đảm nhiệm vị trí Tướng quốc, cũng từng băn khoăn về vấn đề này và đã tìm mưu sĩ Lý Khôi nhờ giúp đỡ. Ngay sau đó, Lý Khôi đã chỉ ra giúp ông 9 tiêu chuẩn nhìn người vô cùng chuẩn xác.
1. Khi một người đã thành công, họ có còn khiêm tốn, cẩn trọng lễ nghĩa, tuân thủ quy tắc hay không?
2. Khi một người có địa vị cao, phải xem họ tiến cử người như thế nào. Họ tiến cử người như thế nào thì họ cũng chính là người như vậy.
3. Khi một người đã có tiền tài, phải xem họ dùng tiền như thế nào, cho ai dùng, dùng vào việc gì. Khi nghèo khó người ta sẽ không lãng phí tiền bạc, tiết kiệm là vì tình thế bắt buộc. Tuy nhiên, khi người ta giàu có mà vẫn còn giữ được bản tính tiết kiệm mới phản ánh được phẩm hạnh tốt đẹp của họ.
4. Quan sát một người bình thường ở cùng ai; Nếu như người đó thường ở cùng với những người tài năng đức hạnh thì nên trọng dụng. Nếu người đó thường ở cùng những kẻ tiểu nhân, độc ác thì phải đề phòng cẩn thận.
5. Sau khi nghe xong lời nói của một người phải nhìn xem họ có thực sự đi làm đúng theo lời nói của họ hay không. Chỉ sợ nói được mà làm không được.
6. Thông qua sở thích có thể biết được bản chất của một người.
7. Lần đầu tiên gặp một người, những lời mà người đó nói không tính là gì. Đợi khi đã tiếp xúc lâu, hãy nghe xem những gì họ nói có giống như lúc đầu hay không. Nếu lời nói của họ trước sau có sự bất đồng càng lớn thì nhân phẩm càng kém.
8. Người nghèo cũng không sao, nhưng nghèo mà không tham lam, không lợi dụng người khác thì mới là bản chất tốt.
9. Con người có địa vị thấp không sao, không tự ti, duy trì tôn nghiêm của bản thân mới là bản chất tốt.
Người đức hạnh thì sẽ được mọi người tôn kính, tài năng của họ sẽ được mọi người yêu mến. Tuy nhiên, tôn kính lại dễ dẫn đến việc giữ khoảng cách, còn yêu mến lại dễ dàng gần gũi. Vì vậy, khi lựa chọn nhân tài, người thực hiện công tác xét tuyển thường bị tài năng của ứng viên che mắt mà không nhìn được đức hạnh của họ. Từ xưa đến nay, hôn quân, gian thần hay kẻ phá gia chi tử, phần lớn là người mà tài năng có thừa nhưng lại thiếu đức hạnh, vì vậy mới khiến cho nước mất nhà tan. Trong lịch sử cũng ghi chép nhiều câu chuyện về những hôn quân bạo chúa khiến quốc gia bại vọng như Ân Trụ vương, Chu U vương, Tùy Dạng đế…. Họ đều là người có tài mà vô đức, là kẻ tiểu nhân hại nước hại dân.
Đặc biệt là Ân Trụ vương, tư chất thông minh, kiến thức và văn chương uyên bác, dũng lực vượt xa người thường, có thể tay không đánh nhau với mãnh thú, tuy nhiên ông ta lại giỏi che đậy lỗi lầm, cự tuyệt nghe khuyên can, xa lánh hiền thần. Ông ta tự cao tự đại cho rằng toàn bộ người trong thiên hạ đều không có ai tài giỏi hơn mình, vì thế mà thực hiện hành vi tàn bạo, xào nấu trung lương, mổ bụng xem thai, gõ xương lấy tủy, moi sống tim gan của chú mình. Kết quả là chư hầu tứ phương và dân chúng đều rời bỏ ông ta, cuối cùng bị Chu Vũ vương thảo phạt khiến cho không chỉ quốc gia diệt vong mà bản thân còn bị thiêu sống, thiên hạ chê cười.
Bởi vậy mới nói, chọn vua chọn tướng phải đặt đức hạnh của người đó lên hàng đầu.
Nguồn: DKN