Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng Hoàn cảnh sống tạo nên thành bại

21/05/2023 - Lượt xem: 252

Sức ảnh hưởng và ám thị của môi trường đối với con người thật quá to lớn và sâu rộng.

Sự khác biệt giữa vòng luẩn quẩn tích cực của thành công và vòng luẩn quẩn tiêu cực của thất bại chịu ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường.

‘Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng’: Hoàn cảnh sống tạo nên thành bại của một người thế nào?

Trong các tác phẩm của tiểu thuyết gia, nhà triết học người Nga, Lev Tolstoy, có một câu chuyện như vậy:  Một người phụ nữ vì trả thù người đàn ông đã làm tổn thương mình sâu sắc nên đã cướp đi đứa bé trai mới sinh của anh ta. Cô giao đứa trẻ cho một thầy phù thủy và yêu cầu thầy phù thủy phải trả thù đứa trẻ theo cách tàn bạo nhất.

Ngay sau đó, thầy phù thủy thông báo cho người phụ nữ rằng phương pháp tàn ác nhất đã được thực hiện và yêu cầu cô đến địa điểm được chỉ định xem thử. Người phụ nữ đó không trông thấy thì thôi, hễ trông thấy thì tức giận không thôi – đứa trẻ đó đã được một gia đình giàu có ở địa phương nhận nuôi! Cô lập tức chạy đến chất vấn thầy phù thủy.

Thầy phù thủy bảo cô đừng lo lắng, mà hãy cứ chờ xem, thời gian sẽ trả lời tất cả.

Cuối cùng, ngay cả người phụ nữ độc ác này cũng cảm thấy rằng sự trả thù như vậy thật quá tàn nhẫn. Hóa ra, đứa trẻ lớn lên trong cuộc sống nhung lụa, không có được sức sống mạnh mẽ, ý chí ngoan cường và một tinh thần chịu khổ. Dưới đòn đả kích nặng nề từ việc gia đình đột ngột phá sản và nghèo đói, anh ta yếu nhược bất tài, ngày càng đi xuống, hèn mọn bẩn thỉu, thật là sống không bằng chết.

Sau một đoạn thời gian vật lộn trong vô vọng, cuối cùng anh ta điên cuồng tự sát.

Chúng ta hãy tạm bỏ qua tính logic và quan niệm luân lý đạo đức trong câu chuyện này, chỉ nói riêng về phương pháp trả thù mà thầy phù thủy sử dụng khiến chúng ta nhận ra một điều: Phương pháp tàn nhẫn nhất để hủy hoại một người chính là đưa anh ta vào trong một môi trường tiêu cực (thất bại), để anh ta bị hủy hoại hoàn toàn từ thể xác đến tâm hồn.

Như vậy, không chỉ là sự tra tấn về thể xác, mà đáng sợ hơn là ý chí và niềm tin của họ cũng bị mai một, thậm chí bị xóa sổ hoàn toàn. Nói tóm lại, chính là thông qua môi trường để thay đổi tâm thái của mình.

Mạnh Mẫu ba lần chuyển nhà.

Câu chuyện “Mạnh Mẫu ba lần chuyển nhà”, cho thấy con người ta đã nhận ra rằng môi trường rất quan trọng đối với sự trưởng thành của một người ngay từ rất sớm. Mạnh Tử từ nhỏ đã mồ côi cha, nên ông do một tay người mẹ tần tảo, vất vả nuôi nấng. Mạnh Tử được người đời sau gọi là “Á Thánh”, kỳ thực lúc nhỏ ông rất nghịch ngợm, để nuôi dạy ông nên người, mẹ ông đã phải suy nghĩ rất nhiều. 

Nhà Mạnh Tử ban đầu ở thôn Phù dưới chân núi Mã Yên. Dưới chân núi này mồ mả khắp nơi, trẻ con trong thôn đuổi nhau chơi đùa, thường gặp cảnh đưa tang an táng. Bọn trẻ cũng tụ tập dăm bảy đứa bắt chước các lễ nghi của người lớn, diễn quá trình tang lễ. Mạnh Mẫu trông thấy vậy cảm thấy đau đớn trong lòng, không thể lúc nào cũng nhốt một đứa trẻ hoạt bát hiếu động trong nhà được, nên chỉ có cách duy nhất là thay đổi hoàn cảnh cư trú.

Trải qua một hồi trăn trở, mẹ con Mạnh Tử chuyển nhà từ thôn Phù đến thôn Miếu Hộ Doanh cách xa trên 10 dặm. Đây là một chợ phiên, những ngày lẻ như mồng 1, 3, 5, 7, người dân các nơi xa gần, tay xách vai gánh nông thổ sản đến chợ giao dịch, mặc cả trả giá, ồn ào huyên náo.

Quang cảnh này đối với đứa trẻ mà nói thì rất hấp dẫn, tai nghe mắt thấy tiêm nhiễm. Mạnh Kha và một số đứa trẻ gần đó cũng học được dáng vẻ so đo cò kè. Mạnh Mẫu thấp thỏm không yên, ở được nửa năm lại chuyển chỗ ở.

Mạnh Mẫu không muốn con trở thành người lặng lẽ lầm lũi, cũng không muốn con bị ô nhiễm bởi thói chợ búa chỉ biết mưu đồ kiếm lợi. Bà nhất định chọn một hoàn cảnh thích hợp cho sự trưởng thành của con.

Lần thứ 3 bà chuyển nhà đến gần trường học ở thành Trâu, tuy nhà cửa nhỏ bé tồi tàn, nhưng Mạnh Mẫu vẫn cảm thấy rất yên tâm định cư ở đó.

Trẻ em cần có một hoàn cảnh giáo dục tốt.

Gần trường học luôn có những học trò qua lại. Những Nho sinh khí tiết dáng vẻ cao nhã, phong thái chuẩn mực ung dung, cử chỉ trang nhã, hành vi thực hành theo lễ nghi đã bất tri bất giác ảnh hưởng đến người dân xung quanh, nhất là đối với trẻ em bắt đầu hiểu sự đời.

Bọn trẻ thường túm tụm dưới gốc cây diễn luyện những lễ nghi chắp tay cúi chào, nhường nhịn, lùi bước trong trường học, rất ra dáng và cung kính, một cảnh tượng trang trọng nghiêm túc, khiến Mạnh Mẫu từ xa nhìn xem, trong sâu thẳm nội tâm rất vui mừng: “Đây mới là hoàn cảnh cư trú tốt nhất cho bọn trẻ”. 

Người đời sau gọi câu chuyện này là “Tam thiên chi giáo” (ba lần chuyển nhà để trẻ được nên người).

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, đạo lý chính là đơn giản như vậy. Tuy nhiên, hiện thực cuộc sống lại không đơn giản như vậy: Rõ ràng là ai cũng sẽ tránh xa môi trường trường xấu, nhưng đôi lúc cũng sẽ bị môi trường xấu ô nhiễm mà không hay biết.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni một lần cùng đệ tử A Nan đi ngang qua chợ cá. A Nan nhặt một sợi dây dưới đất và chơi với nó trong tay. Đức Phật nói: “A Nan! Hãy vứt sợi dây đó đi!”. A Nan làm theo, nhưng vẫn bối rối hỏi: “Thưa thầy, nhặt một sợi dây thì có sao đâu ạ?”. Đức Phật nói: “Con hãy ngửi tay của con xem!”. A Nan đưa hai tay lên ngửi, kinh ngạc thốt lên: “Chao ôi! Toàn là mùi cá!”.

Vì vậy, chúng ta nên phải đặc biệt thận trọng, phải có ý thức lựa chọn môi trường sống, môi trường học tập và môi trường làm việc của mình, chủ động đến gần những nơi tích cực và tránh xa những nơi tiêu cực; nếu gặp phải tình huống không thể lựa chọn, bạn phải dùng niềm tin vững chắc để sàng lọc các thứ xung quanh và ôm chắc cho mình thái độ tích cực.

Nguồn: DKN