Cổ nhân dạy, chữ tín quý hơn vàng. Lời hứa không thể nói chơi, chữ tín không thể đánh mất. Một lần mất tín vạn lần mất tin.

Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay. Đối với vấn đề giữ chữ tín, không chỉ nam nhân cần coi trọng mà cả nữ nhân cũng là như thế, không thể xem nhẹ hoặc bỏ qua.
Dưới đây là một số gương phụ nữ xưa được ghi trong ‘Những câu chuyện đức hạnh phụ nữ’ do Thái Chân Chân biên soạn. Chúng ta cùng xem để thấy người phụ nữ xưa đã giữ chữ tín như thế nào nhé.
Lời hứa của cô nương họ Trần
Vào thời nhà Hán có cô nương họ Trần ở Hoài Dương là người rất đỗi hiếu thảo. Năm 16 tuổi nàng đi lấy chồng. Khi chồng đi lính có dặn dò nàng phụng dưỡng mẹ mình tới già và nàng đã nhận lời đồng ý. Sau này, người chồng chết ngoài chiến trận, nàng ở vậy, ngày ngày dệt vải phụng dưỡng mẹ chồng không chút lười biếng. Mẹ đẻ thương con gái còn trẻ nên rất muốn nàng đi lấy người khác.
Nàng nói với mẹ rằng: “Vứt bỏ lời dặn của chồng là không giữ chữ tín. Phản bội người chồng đã mất là không có nghĩa. Không tín không nghĩa thì thà chết cho xong”, nói xong bèn đòi đi tự tử.
Mẹ đẻ sợ xảy ra chuyện không may nên cũng không dám ép nàng nữa. Thế là nàng đã ở vậy cả đời phụng dưỡng mẹ chồng. Năm mẹ chồng 84 tuổi qua đời, nàng đã bán nhà cửa ruộng đất làm đám tang cho bà. Hán Văn Đế nghe được chuyện này, rất khen ngợi sự hiếu thảo của nàng bèn hạ Thánh chỉ thưởng cho nàng 40 cân vàng.
Lã Khôn, một nhà văn, nhà tư tưởng và nhà chính trị có tài đời Minh. Sau khi đọc câu chuyện đã nói rằng: “Người phụ nữ hiếu thảo, gả đi khi mới 16 tuổi và được phu quân phó thác việc phụng dưỡng mẹ chồng. Một câu dặn dò lúc chia tay mà nàng dùng cả đời để giữ gìn. Đã không thất tín lại còn tận tâm, tận sức chăm sóc. Tuy trải qua rất nhiều gian khổ nhưng trước sau cũng không hai lòng. Nếu như không có người con dâu hiếu thảo thì người mẹ chồng đó có lẽ sẽ sống trong sự lẻ loi, hiu quạnh và qua đời trong đau khổ.“

Mẹ kế gìn giữ lời hứa
Vào thời Tề Tuyên Vương nhà Chu, có hai anh em đánh chết người trên đường, đã không bỏ chạy mà còn đứng lại xem. Người của quan phủ bèn bắt hai anh em lại rồi thẩm vấn xem ai đã giết người.
Người anh nói: “Người là do tôi giết”. Người em nói: “Là do tôi giết”. Cứ như vậy trải qua một năm vụ án này vẫn không xét xử được.
Tề Tuyên Vương bèn sai người đi hỏi mẹ của họ. Mẹ của họ nói: “Để cho người em đền tội!” Tể tướng bèn hỏi như vậy là có ý gì. Người mẹ đó bèn đáp: “Đứa bé là do tôi sinh ra. Đứa lớn là con của người vợ trước. Khi cha của chúng sắp qua đời có dặn dò tôi phải chăm sóc nó thật tốt. Lúc đó tôi cũng đồng ý. Nay nếu để người anh đền tội thì chẳng phải tôi không giữ chữ tín sao? Như vậy là lừa gạt chồng tôi”. Nói xong bèn khóc lớn, làm cho quần áo cũng ướt hết.
Tể tướng thấy tình hình như vậy bèn về bẩm báo lại với Tề Tuyên Vương. Tề Tuyên Vương bèn miễn tội cho cả hai anh em, đồng thời khen ngợi mẹ của họ là người có nghĩa.
Người xưa có lưu truyền câu nói rằng ‘Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Ngay cả khi con người vợ trước có hiếu thuận đến đâu thì cũng chưa chắc đã thay đổi cách nhìn của dì ghẻ. Thế nhưng trong câu chuyện này, người mẹ kế vì giữ lời hứa với chồng mà cam tâm hy sinh con đẻ để bảo toàn tính mạng của con người vợ trước. Một người mẹ có tín nghĩa như vậy sao không khiến hậu nhân cảm động đây?
Nàng hầu Đông Mai trọn đời thực hiện lời hứa với chủ nhân
Thời nhà Minh, trong nhà của Hứa Thế Đạt có một người hầu gái tên là Đông Mai. Khi nàng 13 tuổi, chủ nhân Hứa Thế Đạt qua đời. Lúc này, con trai của ông là Hứa Thực chưa tròn một tuổi.
Vợ của Hứa Thế Đạt bệnh rất nặng, lúc lâm chung có nói với Đông Mai rằng: “Vợ chồng ta chỉ có mỗi một người con, nay không thể phó thác cho ai. Phải làm sao đây?”
Đông Mai nghe chủ nhân nói vậy bèn khóc mà rằng: “Ngộ nhỡ bất hạnh, chủ nhân qua đời, Đông Mai tình nguyện ở lại nhà, chăm sóc cho tiểu chủ nhân mà không đi lấy chồng”.

Sau khi vợ Hứa Thế Đạt qua đời, nàng tận tâm chăm sóc cho cậu chủ, cho thức ăn vào miệng nhai nát rồi bón cho Hứa Thực ăn. Người nhà họ Hứa nhòm ngó phần tài sản của Hứa Thế Đạt nên ép nàng đi lấy chồng, sau đó sẽ giết chết Hứa Thực. Không còn cách nào khác, nàng yêu cầu mang theo Hứa Thực cùng đi, thế là cả hai cùng ngồi lên kiệu.
Khi kiệu hoa đi qua nhà của người họ Uông, nàng lừa người khiêng kiệu rằng: “Trước đây ở nhà này tôi có gửi mấy món đồ trang sức, nay muốn đòi lại”, thế rồi bèn xuống kiệu vào trong nhà họ Uông nói rõ sự tình. Người họ Uông bèn giữ nàng ở lại trong nhà rồi quở trách những người ép nàng lấy chồng.
Sau này đợi đến khi tiểu chủ nhân Hứa Thực trưởng thành, Đông Mai lại lấy vợ cho cậu chủ. Nàng thọ 82 tuổi, đến già vẫn là trinh nữ chưa lấy chồng.
Hoàn cảnh của Hứa Thực thời nhỏ nguy nan như Lý Tục thời nhà Minh, mà Đông Mai là cô gái 13 tuổi lại có thể gánh vác trọng trách nuôi nấng trẻ mồ côi, so với Lý Thiện thì càng khó khăn hơn nhiều. Danh sĩ quân tử thấy nàng đều phải quỳ vái từ xa. Ai dám nói trong đám nô tì lại không có nhân vật vĩ đại? Người trong dòng tộc thấy được đức hạnh cao thượng của Đông Mai nên đã dùng lễ với chủ nhân để đối đãi nhưng nàng kiên quyết từ chối. Điều này càng có thể thấy sự hiền đức của Đông Mai.
Mẫu Sư đứng chờ đầu làng, giữ chữ tín để làm gương
Vào thời nhà Chu, một bà góa nước Lỗ có 9 người con trai đều đã thành gia lập thất. Một ngày tháng chạp, sau khi hoàn thành xong việc thờ cúng trong nhà, bà cùng với con trai út về nhà mẹ đẻ.
Khi sắp ra khỏi cửa, bà nói với các con dâu rằng: “Các con trông nom nhà cửa cẩn thận, gần tối thì mẹ sẽ về”. Nhưng vì thấy trời u ám nên bà trở về sớm hơn dự tính. Tuy nhiên, khi đi đến đầu làng, bà cũng không vội về nhà ngay mà đợi tới khi trời tối mới vào làng.
Đúng lúc đó thì quan đại phu nước Lỗ đứng trên đài cao nhìn thấy, cảm thấy rất kỳ lạ bèn sai người đến nhà bà dò la, khi trở về có báo cáo rằng toàn bộ đồ dùng trong nhà bà đều rất gọn gàng, xử lý việc nào cũng đâu vào đấy, rất có trật tự. Quan đại phu càng cảm thấy kỳ lạ bèn gọi bà đến hỏi bà làm sao lại làm được như vậy, bà đã trả lời đúng sự thật. Thế là quan đại phu tiến cử bà cho Lỗ Mục Công. Lỗ Mục Công mời bà vào trong cung để dạy bảo các Phi tần, Từ đó về sau mọi người đều gọi bà là Mẫu Sư.
Người phụ nữ góa chồng, tuổi đã cao rồi mà khi về nhà mẹ đẻ cũng phải báo với các con của mình. Lúc trở về sớm hơn thời gian đã hẹn, bà vui vẻ đứng chờ ở đầu làng. Đây là bà đã cân nhắc đến việc người nhà chưa có sự chuẩn bị nên chờ đến giờ hẹn mới vào làng trở về nhà mình. Lã Khôn cũng từng khen ngợi rằng Mẫu Sư có thể lấy mình làm gương, làm việc cẩn thận lại giữ chữ tín, thực sự là không sai!
Lâm tiểu thư giữ trọn lời hứa trong tâm
Thời nhà Minh, Lâm tiểu thư, vợ của Tiền Chước, là con gái của Lâm Ứng Kỳ. Khi chưa xuất giá, chồng của nàng đột nhiên mắc phải căn bệnh kỳ lạ, thân thể co quắp không thể duỗi thẳng ra được. Cho nên, cha của Tiền Chước mới viết thư cho Lâm Ứng Kỳ, muốn để cho con gái của ông gả cho người khác. Lâm Ứng Kỳ không nhẫn tâm nên không đồng ý. Sau 10 năm, bệnh của Tiền Chước vẫn như cũ, không chút thuyên giảm. Cho nên, cha của Tiền Chước lại viết thư cho Lâm Ứng Kỳ, vẫn là lời nói khi xưa, muốn để con gái của ông gả cho người khác.
Lâm Ứng Kỳ đem thư cho con gái xem, nàng bèn nói: “Đây là số mệnh của con. Sao có thể thay đổi được ạ?” Người xung quanh nói: “Còn chưa xuất giá thì có chọn nhà khác cũng không phải là không được”. Lâm tiểu thư đáp: “Con người quan trọng là ở tấm lòng. Lòng con đã hứa gả cho chàng rồi”. Lâm Ứng Kỳ nghe được câu nói này thì vô cùng khen ngợi chí hướng của con gái, thế là chuẩn bị đồ cưới rồi đem nàng gả cho nhà họ Tiền. Không lâu sau, bệnh tình của Tiền Chước khỏi hoàn toàn như có kỳ tích.
Nếu như chỉ vì chồng bị bệnh mà nàng mong muốn gả cho người khác, điều này dĩ nhiên là không được. Nhưng nhà chồng nhiều lần viết thư bảo nàng lấy người khác, hơn nữa lại trải qua thời gian 10 năm, cha nàng cũng có ý dao động. Nếu như lúc này nàng thuận theo ý của cha và nhà chồng mà gả cho người khác, hành động ấy dường như là cũng có thể được. Nhưng Lâm tiểu thư lại nói: “Con người quan trọng là ở tấm lòng, lòng con đã hứa gả cho chàng rồi”. Chỉ đơn giản hai câu mà chí tín trung trinh, nàng thật đúng là đại trượng phu của phái nữ!
Đúng vậy, thực hiện được lời đã hứa, giữ chữ tín là điểm mấu chốt làm người, là một yêu cầu về tiêu chuẩn đạo đức trong đối nhân xử thế, là trung thực với lương tâm của mình và có trách nhiệm với người khác. Nữ nhân xưa lấy tín nghĩa để lập thân, vì một lời hứa mà trọn đời gìn giữ, nói đi đôi với làm, đối với một lời giao phó thì cả đời không quên, trở thành người thật sự có lương tri và chính nghĩa khiến hâu nhân không khỏi cảm khái, ngưỡng mộ.
Nguồn: DKN