Xuyên suốt tiến trình lịch sử của nhân loại đều tín ngưỡng Thần linh. Trong xã hội xưa, dù là bậc tôn quý như hoàng đế, quan lại cho đến bá tánh bình dân, hầu như ai cũng đều am tường đạo lý kính Trời tín Thần, nhân quả nghiệp báo.
Các giá trị quan của các chính giáo như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo ở phương Đông và Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo ở phương Tây đều giáo dục con người kính Trời tín Thần. Nếu so sánh như vậy thì quan niệm chống lại Thần Phật, không tin thiện ác hữu báo chính là loại tà thuyết hại người sâu nặng nhất.

Ảnh: Freepik.
Mặc dù thời đại đã thay đổi, quan niệm và công nghệ hiện đại được phổ biến rộng khắp, nhưng những câu chuyện cổ xưa vẫn có tác dụng gợi mở cho con người thời nay. Kỷ Hiểu Lam, một học giả nổi tiếng thời nhà Thanh có ghi chép một câu chuyện trong quyển 14 của tập sách “Duyệt Vy Thảo Đường Bút Ký” của ông. Câu chuyện của Kỷ Hiểu Lam được miêu tả như sau:
Trên một cây cầu ở phía bắc tỉnh Phúc Kiến có xây lan can để tránh cho người qua cầu khỏi bị ngã. Do khu vực này có nhiều mưa, bên cạnh cây cầu thậm chí còn dựng một căn nhà để làm nơi trú mưa cho người đi đường. Có một người đàn ông đến từ vùng Vĩnh Xuân (tỉnh Phúc Kiến) tên là Khâu Nhị Điền đã kể lại một sự việc chấn động lòng người.
Một hôm, Khâu Nhị Điền đi đường lúc buổi đêm gặp phải mưa, liền trú trong căn nhà cạnh chân cầu tránh mưa. Một lúc sau, anh chợt thấy rất nhiều người xuất hiện bên trong, một người trong số họ trông giống như quan lại đang cầm hồ sơ vụ án, có mấy binh lính khác đang áp giải một vài phạm nhân bị gông cùm.
Khi Khâu Nhị Điền nghe thấy tiếng xiềng xích và còng tay, ông biết rằng mình đã đụng phải người của quan phủ đang áp giải tù nhân! Ông không dám phát ra tiếng, liền núp vào trong góc nhà, đứng nép ở một bên quan sát động tĩnh của đối phương.
Bỗng ông nghe thấy một tù nhân kêu gào khóc lớn, nhưng sau đó ông bị viên quan khiển trách: “Bây giờ biết sợ rồi sao? Nhưng khóc có ích gì! Tại sao khi còn sống cứ một mực hành ác?”.
Phạm nhân đó đáp:“Đó là vì con đã tin và nghe theo lời của ông thầy. Ông ta ngày thường luôn quở trách những người kính Thần tin Phật rằng: ‘Thiện ác báo ứng gì chứ, đây đều là những thuyết hoang đường xằng bậy’. Con nghe nhiều rồi và tin đó là sự thật, vậy nên khi còn sống mới không ngần ngại mưu hại người khác và làm ra những việc hại người lợi mình. Bởi con cho rằng con người ta chết là hết, không còn phân biệt vinh quang và sỉ nhục nữa, nên cũng không lo sợ, mặc sức làm càn! Nào ngờ đâu chết rồi phải xuống địa ngục, trong địa ngục cũng thật sự có Diêm Vương. Lúc này mới biết mình đã bị ông thầy lừa gạt, con đau khổ và hối hận lắm!”.
Sau khi tù nhân khóc xong, một tù nhân khác cũng khóc lóc thảm thiết:“Than ôi! Anh ta là bị ông thầy dối gạt, còn con là bị thầy mo lừa. Thầy mo đó nói: ‘Người tạo ác nghiệp, thì chỉ cần thắp hương cúng dường có thể tích đức, tiêu trừ nghiệp chướng. Dù sau khi chết có xuống địa ngục cũng có thể mời thầy mo tụng kinh siêu độ’.
Con nghe thấy vậy, liền tự an ủi mình rằng không cần phải sợ, nhân khi còn sống thì cứ ra sức vơ vét tiền bạc, rồi lấy ra chút tiền để thắp hương bố thí, sau khi chết cứ bảo người nhà mời thầy mo về tụng kinh cho là xong, như vậy thì địa ngục cũng không trừng phạt được con.
Không ngờ, sau khi xuống địa ngục, con phát hiện Diêm Vương xét tội phúc của con người là dựa trên số việc làm thiện ác và tâm tính của bản thân, còn về số tiền bố thí thì không hề xem trọng. Khi còn sống, con tuy đã bỏ ra rất nhiều tiền bố thí, nhưng sau khi xuống địa ngục, liền bị cực hình, tội ác nào cũng không tránh khỏi. Nếu con không bị thầy mo đó lừa dối, làm sao con dám phóng túng, sa ngã đến bước này chứ?”. Tội nhân này nói xong, tiếp tục nức nở. Các tù nhân khác ở bên cạnh cũng đều khóc rống theo.
Khâu Nhị Điền nấp ở một góc phòng sau khi nghe những lời này mới biết rằng những tù nhân mà mình gặp phải đều đã chết. Bài học kinh nghiệm của họ quả thật là sâu sắc!
Câu chuyện trên cho chúng ta bài học rằng, đừng nên tuỳ tiện tin vào những tà thuyết hại người. Người tôn kính Thần Phật thường biết giữ gìn đạo đức, tin vào nhân quả luân hồi, thiện ác báo ứng, nên họ rất biết quý trọng thời gian còn sống trên cõi đời, đồng thời cũng biết sửa đổi lỗi lầm của mình, không dám phóng túng tư dục, dù chuyện xấu nhỏ nhặt cũng không dám làm. Còn những người bị tà thuyết lừa gạt, không tin Thần Phật, thậm chí hiểu sai quan điểm chính thống, họ sẽ vì tư dục của bản thân mà không ngần ngại làm điều xấu ác, tất nhiên sẽ phải nếm đủ ác quả mình gieo.
Mặc dù trong cõi vô minh, con người vẫn âm thầm ôm giữ một số tình cảm đặc biệt đối với Thần Phật, nhưng khi đứng trước các loại học thuyết đang được cổ xúy rộng rãi như thuyết vô thần, thuyết tiến hóa vốn đi chệch khỏi các giá trị truyền thống của nhân loại, liệu chúng ta có thể không cảnh giác được sao?
Nguồn: DKN