Nghiên cứu văn tự cổ về tuổi thọ người cổ đại: Làm sao có thể sống đến vài nghìn, vài trăm năm? .

25/02/2024 - Lượt xem: 203

Không chỉ những nhân vật trong Kinh thánh được mô tả là đã sống đến 900 tuổi và lâu hơn nữa. Các văn bản cổ của nhiều nền văn hóa có ghi chép về tuổi thọ của các vị vua cổ đại, mà hầu hết những người hiện đại ngày nay sẽ không thể tưởng tượng ra được.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự Trường thọ có mối liên hệ sâu sắc với Đạo đức và Niềm tin.

Tuổi thọ người cổ đại. Nguồn ảnh: trên cùng bên trái: (Miền công cộng); Dưới cùng bên trái: (Miền công cộng); Trên cùng bên phải: (Miền công cộng); Dưới cùng bên phải: (Ben Jeayes / Shutterstock)

Một số người cho rằng mọi người đã dịch sai các văn bản cổ đó, hoặc các văn bản cổ chỉ đề cập đến những con số mang tính ngụ ngôn. Nhưng trái với những người phản đối, một số nhà sử học chân chính đã tự hỏi: liệu tuổi thọ của con người thời cổ đại có thể vượt quá tuổi thọ của con người ngày nay hay không?

Một nhà phê bình cho rằng phép đo thời gian cụ thể ở Cận Đông cổ đại về một năm có thể khác với khái niệm hiện tại của chúng ta về một năm. Chẳng hạn, năm của họ có thể được tính là quỹ đạo của Mặt trăng (30 ngày), thay vì quỹ đạo của Trái đất quay quanh Mặt trời như hiện nay.

Nếu chúng ta điều chỉnh theo cách tính trên, thì tuổi thọ của nhân vật Adam trong Kinh thánh, sẽ giảm từ 930 tuổi xuống còn 77 tuổi khi ông qua đời. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là ông sẽ làm cha khi mới 11 tuổi, khi ông sinh ra con trai mình là Seth. Enoch, một nhân vật khác trong Kinh thánh, sẽ làm cha lúc 5 tuổi, khi ông sinh ra người con của mình là Methuselah. Điều đó có thể chấp nhận được không?

“Sự mâu thuẫn tương tự cũng xảy ra khi chúng ta điều chỉnh một năm theo các mùa thay vì theo quỹ đạo mặt trời”, Carol A. Hill đã viết trong bài báo của cô ấy “Making Sense of the Numbers of Genesis” (tạm dịch: Nhận thức về các con số của Sáng thế ký), đăng trên tạp chí Perspectives on Science and Christian Faith vào tháng 12 năm 2003. Các vấn đề tương tự cũng đã nảy sinh, khi điều chỉnh tuổi thọ của con người trong các văn bản cổ với giả định rằng các tác giả đã sử dụng một mẫu số nhất định để làm lệch tuổi thực, chẳng hạn như nhân chúng với một số nhất định nào đó.

Theo Hill, trong Sáng thế ký, có thể có ý nghĩa về cả số tuổi (thực tế) cũng như ý nghĩa số học (thiêng liêng hoặc tượng trưng) của thời đại đó.

Tuổi thọ người cổ đại. Nguồn ảnh: Trên cùng bên trái: Một bức chạm khắc trên một ngôi đền Đạo giáo; Các đạo sĩ trong suốt lịch sử được cho là đã sống hàng trăm năm. (Shutterstock). Dưới cùng bên trái: Hình minh họa từ “Shahnama”, một Sử thi Ba Tư thế kỷ 10 liệt kê tuổi thọ của các vị vua hàng trăm năm và thậm chí hơn 1.000. (Wikimedia Commons). Ảnh bên phải: Bức tranh vẽ nhân vật trong Kinh thánh, Abraham, của Rembrandt; Abraham được cho là đã sống lâu hơn rất nhiều so với tuổi thọ mong đợi ở người hiện đại. (Wikimedia Commons). Tranh nền: (Từ trái qua phải) Một máy tấm bảng ghi cổ của người Sumer (Wikimedia Commons); một văn bản y học cổ của Trung Quốc (Defun / iStock / Thinkstock) và chữ viết bằng tiếng Do Thái (Shutterstock)

Các văn tự cổ đã phóng đại tuổi thọ của các vị Vua?

Trong cả Sáng thế ký và Danh sách các vị vua của người Sumer 4.000 năm tuổi — đều liệt kê thời gian trị vì của mỗi vị vua ở Sumer (miền nam Iraq cổ đại), trong một số trường hợp vượt quá 30.000 năm — các nhà phân tích đã lưu ý đến đặc điểm của các con số này.

Giống như Kinh thánh, Danh sách các vị vua của người Sumer cho thấy tuổi thọ của các vị vua giảm đều đặn. Danh sách có phân biệt giữa các triều đại trước và sau Đại hồng thuỷ. Thời gian trị vì trước Đại hồng thuỷ dài hơn đáng kể so với sau Đại hồng thuỷ, mặc dù tuổi thọ sau Đại hồng thuỷ được chứng minh là vài trăm năm hoặc hơn 1.000 năm. Trong Kinh thánh, chúng ta thấy sự suy giảm dần dần qua các thế hệ từ cuộc đời 930 năm của Adam, 500 năm của Noah, đến 175 năm của Abraham.

Mô tả sự phóng đại như thế nào

Dwight Young của Đại học Brandeis, bang Massachusetts, Mỹ đã viết về tuổi thọ sau Đại hồng thuỷ được xác định trong Danh sách các vị vua của người Sumer: “Không thể tin vào độ lớn của các con số; một số con số này có vẻ là được tạo ra. 1.560 năm của thời đại Vua Etana, có thể nói là lâu nhất, nhưng nó lại là tổng của hai triều đại trước đó.… Một số con số dường như đơn giản phát sinh dưới dạng bội số của 60. Các số lớn khác có thể được coi là bình phương: 900 là bình phương của 30; 625 là bình phương của 25; 400 là bình phương của 20… ngay cả trong số các nhỏ hơn, bình phương của số sáu xuất hiện thường xuyên hơn các con số khác”. Bài báo của Young, có tiêu đề “Phương pháp tiếp cận toán học đối với một số khoảng thời gian nhất định trong Danh sách các vị vua Sumer”, được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Cận Đông năm 1988.

Paul Y. Hoskisson, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sách Mormon Laura F. Willes đã viết theo một mạch tương tự về các thời đại tộc trưởng trong Kinh thánh trong một bài báo ngắn viết cho Viện Neal A. Maxwell để xin cấp học bổng Tôn giáo.

Ô nhiễm môi trường làm giảm tuổi thọ con người ngày nay

Mặt khác, khi nhìn vào các mô hình, người đồng sáng lập Nhà thờ Đức Chúa Trời ở Nam Texas, Mỹ Arthur Mendez cho rằng: tốc độ suy giảm tuổi thọ từ trước Đại hồng thuỷ như được ghi lại trong các văn bản cổ cho đến ngày nay phù hợp với tốc độ suy giảm được quan sát thấy ở các sinh vật khi chúng bị nhiễm phóng xạ hoặc chất độc.

Tuổi thọ người cổ đại trong các nền văn hóa Trung Hoa và Ba Tư
Ở Trung Quốc cổ đại, người siêu thọ cũng rất phổ biến, theo nhiều văn bản cổ. Tiến sĩ châm cứu Joseph P. Hou đã viết trong cuốn sách “Kỹ thuật trường thọ khỏe mạnh”: “Theo các ghi chép y học của Trung Quốc, một bác sĩ tên là Cuie Wenze (Khố Văn Trạch) của triều đại nhà Tần đã sống đến 300 tuổi. Gee Yule của triều đại nhà Hán sau này sống đến 280 tuổi. Một nhà sư cao cấp của Đạo giáo, Hui Zhao (Tuệ Chiêu), sống đến 290 tuổi và Lo Zichange (Chính Tử Trường) sống đến 180 tuổi. Theo ghi chép trong The Chinese Encyclopedia of Materia Medica, He Nengci (Hà Năng Tự) của triều đại nhà Đường sống đến 168 tuổi. Một đạo sĩ, Li Qingyuan (Lý Khánh Viễn), sống đến 250 tuổi. Trong thời hiện đại, một bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc, Lo Mingshan (La Minh Sơn) ở tỉnh Tứ Xuyên, sống đến 124 tuổi".

Tiến sĩ Hou cho biết chìa khóa phương Đông để trường thọ là "nuôi dưỡng cuộc sống", bao gồm không chỉ nuôi dưỡng thể chất mà còn nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh.

Cuốn sách Shahnameh hay Shahnama (Sách của các vị vua) là một quyển Sử thi Ba Tư được viết bởi Ferdowsi vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên. Quyển sách có đề cập đến các vị vua trị vì 1.000 năm, vài trăm năm, xuống đến 150 năm, v.v.

Các nhân chứng sống hiện nay về sự trường tồn

Ngay cả ngày nay, có nhiều báo cáo cũng cho thấy rằng tuổi thọ của con người là vào khoảng 150 năm hoặc hơn. Tuy nhiên, những báo cáo này thường đến từ các vùng nông thôn, nơi mà sự ghi chép chưa thật sự chính xác. Các tài liệu về ngày tháng năm sinh của mỗi người có lẽ còn ít được coi trọng trong các cộng đồng nông thôn hơn một thế kỷ trước, khiến việc chứng minh những tuyên bố như vậy trở nên khó khăn hơn.

Một ví dụ là ông Bir Narayan Chaudhary ở Nepal.

Năm 1996, ông Vijay Jung Thapa đến thăm ông Chaudhary ở làng Tharu của Aamjhoki trong vùng Tarai, Nepal. Chaudhary nói với ông rằng ông đã 141 tuổi, Thapa viết trong một bài báo trên trang India Today. Nếu khẳng định này là đúng, Chaudhary đã vượt qua kỷ lục Guinness thế giới về tuổi thọ lâu nhất từng được ghi nhận sau gần 20 năm.

Nhưng Chaudhary không có giấy tờ để chứng minh điều đó. Tuy nhiên, ông đã được xác minh bởi những người trong ngôi làng của ông.

Thapa viết: “Hầu như tất cả những người lớn tuổi trong làng đều nhớ về thời trẻ của họ khi Chaudhary (đã là một trưởng lão) nói về cuộc khảo sát dân cư đầu tiên tại Nepal vào năm 1888. Về mặt logic, mọi người trong làng cho rằng khi đó anh ấy phải hơn 21 tuổi, vì cuộc khảo sát là một công việc có trách nhiệm. Chaudhary nói rằng ông đã 33 tuổi khi đó và vẫn là một gã độc thân cứng đầu”.

Nhiều người ở vùng Caucasus của Nga cũng tuyên bố tương tự về tuổi thọ của họ lên tới hơn 170 tuổi mà không có tài liệu chứng minh cho tuyên bố của họ.

Tiến sĩ Hou viết: “Những người sống thọ đặc biệt này luôn luôn sống một cuộc sống khiêm tốn, làm việc hoặc tập thể dục chăm chỉ, thường xuyên ở ngoài trời, từ khi còn trẻ cho đến khi về già. Chế độ ăn uống của họ rất đơn giản, cũng như cuộc sống xã hội của họ chỉ liên quan đến gia đình. Một ví dụ là Shisali Mislinlow, sống đến 170 tuổi và làm vườn ở vùng Azerbaijan ở Nga. Cuộc sống của Mislinlow không bao giờ vội vã. Ông ấy nói, “Tôi không bao giờ vội vàng, vì vậy đừng sống vội, đây là lý do chính. Tôi đã lao động chân tay trong 150 năm".

Đạo đức và Niềm tin có tính chất quyết định đến tuổi thọ của con người?

Vấn đề trường thọ trong thời cổ đại thường được kết nối với các thuật luyện đan, hay tu luyện thân tâm của Đạo giáo ở Trung Quốc. Theo lý thuyết của các phương pháp này, tuổi thọ của con người được kết nối với đức hạnh của họ. Tương tự như vậy, tuổi thọ của con người ở xã hội phương Tây cổ xưa được liên kết với niềm tin tín ngưỡng của họ, như được đề cập đến trong Kinh thánh.

Mendez trích lời nhà sử học Do Thái-La Mã vào thế kỷ thứ nhất Titus Flavius Josephus: “Bây giờ khi chúng ta biết rằng Noah đã sống ba trăm năm mươi năm sau trận Đại hồng thủy… Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có ai so sánh tuổi thọ của người xưa với tuổi thọ của chúng ta hiện nay là vài chục năm. Không những thế, chúng ta còn nghĩ rằng tuổi thọ của con người cổ đại được ghi chép lại trong các văn bản cổ là sai.

Lại có người lập luận rằng, con người ngày nay không thể sống lâu được như người ngày xưa, bởi vì người cổ đại là những người yêu mến Đức Chúa Trời và họ thậm chí còn cho rằng chính Đức Chúa Trời đã tạo ra họ. Đức Chúa Trời đã hướng dẫn họ lựa chọn những thức ăn để kéo dài tuổi thọ, nên họ đã sống được nhiều năm như vậy. Và ngoài ra, Đức Chúa Trời đã ban cho họ một thời gian sống lâu hơn vì đức hạnh của họ và việc họ làm những điều tốt đẹp với môi trường xung quanh”.

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa chính thức chấp nhận những gì mà các ghi chép cổ xưa là đúng. Những định kiến vẫn luôn kìm hãm nhận thức mới và cho rằng tuổi thọ của người xưa lâu như vậy là dường như không thể xảy ra. Thậm chí một số người còn coi đó là sự phóng đại, tượng trưng hoặc hiểu sai.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, tuổi thọ người cổ đại kéo dài được như vậy bởi vì họ đã luôn luôn thực hành niềm tin tâm linh. Như chúng ta thấy hiện nay, ngành khảo cổ học chỉ ra rằng, các công trình của người cổ đại còn tồn tại đến ngày nay thì phần lớn đó đều các cơ sở thực hành nghi lễ tâm linh.

Nguồn: NTDVN