Khai quật tượng binh mã nhà Tần, tiết lộ người nước Tần cách đây hơn 2000 năm

26/02/2024 - Lượt xem: 261

Mùa xuân năm 1974, ở mạn đông cách lăng mộ Tần Thủy Hoàng 1,5 km có mấy người nông dân đang đào giếng, bất ngờ đào được một chiếc đầu võ sĩ bằng gốm. Sự kiện này gây chấn động các ban ngành văn vật, nhà nước nhanh chóng tổ chức khai quật.

Đó chính là tượng binh mã bằng đất nung của Tần Thủy Hoàng gây chấn động toàn thế giới.

Ngoài các bộ áo giáp ra (đai giáp màu đỏ, miếng giáp màu nâu), quân đội của Tần Thủy Hoàng không có màu sắc trang phục thống nhất, các bộ y phục đều là binh lính tự chuẩn bị. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Trong quá trình khai quật khảo cổ tượng binh mã nhà Tần, các tượng binh mã vốn đều mang nhiều màu sắc đa dạng rực rỡ, nhưng do để tiếp xúc với không khí, sau 15 giây bị oxy hóa, sau 4 phút các lớp màu bị bong tróc và nhanh chóng rơi xuống lẫn với đất bụi.

Các tượng binh mã ban đầu đều có màu sắc, sau khi khai quật vẫn còn một số phần giữ được màu sắc tươi mới, sau đó do bị ô-xy hóa nên lớp màu bị bong tróc rơi hết ra.

Các tượng binh mã ban đầu đều có màu sắc

Tướng mạo sống động như người sống, có thể là được làm ra chiểu theo mẫu người thật.

Hình trên là tượng binh mã màu tím, là hợp chất silic, đồng và bari (Barium Copper Silicate), loại chất liệu màu tím này cho đến nay vẫn chưa tìm thấy trong tự nhiên, vậy mà trên các tượng binh mã của Tần Thủy Hoàng hơn 2000 năm trước đã được người đương thời chế tạo ra và sử dụng.

Ngoài các bộ áo giáp ra (đai giáp màu đỏ, miếng giáp màu nâu), quân đội của Tần Thủy Hoàng không có màu sắc trang phục thống nhất, các bộ y phục đều là binh lính tự chuẩn bị.

Theo thống kê khảo cổ có thể thấy màu sắc trang phục của người thời Tần chủ yếu là màu xanh lục, màu đỏ, màu tím và màu xanh lam, nhất là màu xanh lục thường được ưa chuộng. Hơn nữa sự phối hợp màu cũng rất được coi trọng: áo màu xanh lục thì thường sẽ viền màu tím hồng hoặc màu đỏ tươi, và phối hợp với quần màu thiên thanh hoặc màu tím, thậm chí màu đỏ.

Áo màu đỏ thường có cổ áo và cổ tay áo màu xanh lục, tím hoặc thiên thanh, phối hợp bên dưới mặc quần màu xanh lục. Màu đỏ, lục, lam, tím có độ tương phản mạnh, màu sắc tươi sáng, đem lại cảm giác nhiệt tình, vui vẻ, hoạt bát. Loại trang phục nhiều màu rực rỡ này thịnh hành trong dân gian đương thời, có sự khác biệt với màu sắc được sùng chuộng thời đó là màu đen.

Mỗi một triều đại Trung Hoa đều có màu sắc sùng chuộng. Các triều đại thay nhau đều thuận theo Ngũ hành tương sinh tương khắc. Thời Hoàng Đế chuộng màu vàng, hành Thổ. Thời nhà Hạ chuộng màu xanh, hành Mộc, vì Mộc khác Thổ nên nhà Hạ thay thế Hoàng Đế. Thời nhà Thương chuộng màu trắng, hành Kim, vì Kim khắc Mộc nên nhà Thương thay thế nhà Hạ. Thời nhà Chu chuộng màu đỏ, hành Hỏa, vì Hỏa khắc kim nên nhà Chu thay thế nhà Thương. Thời nhà Tần chuộng màu đen, hành Thủy, vì Thủy khắc Hỏa nên thay thế nhà Chu. Trong sử sách có chép "Y phục, cờ phướn, cờ tiết của nhà Tần đều mang màu đen" là chỉ màu đen là màu sắc tôn quý nhất đương thời, hoặc chỉ màu sắc chuyên dùng của hoàng gia. Trong các hoạt động cúng tế long trọng, hoàng đế phải mặc trang phục màu đen.

Tượng binh mã cho thấy bách tính toàn quốc không phải đều mặc màu y phục màu sắc như nhau, y phục được dân gian yêu thích có các màu sắc khá đa dạng phong phú, nó phản ánh tính đa dạng trong thẩm mỹ của người dân đương thời.

Trang phục của quân Tần có lẽ cũng là những màu sắc thịnh hành trong xã hội nước Tần đương thời. Áo, quần, xà cạp, khăn bảo vệ cổ, cổ tay áo đều hiển thị những màu sắc khác nhau.

Một tượng binh mã phục chế với màu sắc nguyên bản.

Phục dựng đội quân binh mã nhà Tần.

Màu sắc của tượng binh mã nhà Tần dùng lớp màu nền hữu cơ là màu nâu và một lớp màu. Thành phần chủ yếu của lớp màu nền hữu cơ màu nâu là sơn ta (sơn mài), còn các màu sắc sót lại trên thân các tượng gốm binh mã thì chủ yếu là có màu đỏ (chu sa, diên đan), màu xanh lục (thạch lục), xanh lam (thạch thanh), tím (hợp chất silic, đồng và bari - Barium Copper Silicate), vàng (Oxit chì), đen (than), trắng (Apatit, Cacbonat chì)... đa phần đều là nguyên liệu khoáng chất tự nhiên.

Nguồn: NTDVN